Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.551 USD/ounce, tăng 11 USD/ounce so với hôm qua. Giá vàng tăng mạnh theo nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư trên toàn cầu.
Giá vàng trong nước cũng tăng theo đà của giá vàng thế giới. Chốt phiên giao dịch ngày 4/9, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 42,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,85 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 220.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 42,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,77 triệu đồng/lượng (bán ra).
USD giảm. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 98,62 điểm. USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1010 USD; 106,23 yen đổi 1 USD và 1,2186 USD đổi 1 bảng Anh. Đầu giờ sáng, đồng USD trên thị trường thế giới tụt giảm, trong khi bảng Anh và euro quay đầu tăng mạnh trở lại.
Đồng bảnh Anh tăng mạnh trở lại nhờ hy vọng về sự trì hoãn Brexit. Trong khi USD giảm sâu sau số liệu sản xuất yếu ủng hộ đặt cược vào nới lỏng chính sách tích cực hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trên thị trường trong nước phiên ngày 4/9, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 23.135 đồng/USD và 23.255 đồng/USD. Tỷ giá Euro đứng ở mức: 25.240 đồng (mua) và 26.076 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 27.730 đồng (mua) và 28.174 (bán). Tỷ giá yên Nhật ở mức 211,7 đồng và bán ra ở mức 220,0 đồng.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam 2019 có thể đạt từ 6,6 - 6,8%. Theo các đánh giá mới nhất từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á và HSBC thì tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm nay của Việt Nam có thể sẽ đạt được cận cao của mục tiêu từ 6,6 - 6,8%. Còn Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo ở mức 6,86%, thậm chí Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách còn dự báo tăng trưởng mức 6,96%.
Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn phát triển nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 161.000 tỷ đồng và giải ngân vốn FDI cũng đạt gần 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Đánh giá sơ bộ cho thấy, trong 12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, có nhiều lĩnh vực bứt phá, trong đó có 4 chỉ tiêu ước vượt và 7 chỉ tiêu đạt.
Dừng cho vay ngoại tệ trung dài hạn với doanh nghiệp xuất khẩu từ 1/10/2019. Từ 1/4 các doanh nghiệp xuất khẩu đã không được vay vốn bằng ngoại tệ cho các nhu cầu ngắn hạn. Như vậy, nếu muốn thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, các doanh nghiệp sẽ phải mua ngoại tệ hoặc thông qua các dịch vụ bảo lãnh thanh toán từ các ngân hàng.
Nguồn ngoại tệ ở các Ngân hàng thương mại vẫn đảm bảo đáp ứng đủ các giao dịch cho doanh nghiệp. Theo NHNN, quy định trên nhằm giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.