Nếu nhìn thấy cái chết mà không dũng cảm tiến lên, hướng tới tương lai thì có thể thêm sai lầm và hậu quả lớn hơn. Sáp nhập như vậy là thành công.

Cơ cấu Hội đồng Quản trị và Ban điều hành SHB sau khi sáp nhập trước mắt vẫn giữ nguyên.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) cuối buổi họp báo chính thức về việc sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Vị lãnh đạo này cho rằng có sự luyến tiếc lịch sử của một ngân hàng hai mươi năm có mặt trên thị trường, nhưng đến lúc nó cần phải chuyển đổi thì phải chấp nhận để hướng tới tương lai.

“Lạc quan xử lý nợ xấu”

Nội dung được quan tâm tại buổi họp báo sáng nay (9/8) là nợ xấu của Habubank - nguyên nhân chính dẫn đến phải sáp nhập, và nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập sẽ như thế nào, xử lý như thế nào và có đáng lo ngại?

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, đến thời điểm này nợ xấu của Habubank là 3.729 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23,66% tổng dư nợ. Tỷ lệ đó đã bao gồm phần nợ của Vinashin và đã trừ đi 30% số nợ của tập đoàn này được chuyển đổi thành trái phiếu. Sau khi hợp nhất số liệu của hai ngân hàng thì nợ xấu của SHB là 8,69%.

Về hướng xử lý nợ xấu, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB nói: “Tôi tin rằng và vẫn khẳng định lại là đến 31/12/2012, nợ xấu của Habubank được xử lý cơ bản và đưa xuống dưới 10%”. Ông Hiển cũng nhấn mạnh thêm sau đó là: “Lạc quan khi xử lý nợ xấu, khẳng định lạc quan 100%”.

Chủ tịch SHB cho biết, việc xử lý thua lỗ và nợ xấu của Habubank không phải chờ đến ngày Ngân hàng Nhà nước có quyết định chính thức mới làm, mà ngay sau khi được chấp thuận nguyên tắc, SHB đã tổ chức họp liên tục với ban lãnh đạo Habubank, lập ban xử lý nợ, làm việc với các chi nhánh và các doanh nghiệp của ngân hàng này.

Thời gian qua, hai bên đã tập trung làm việc với 50 khách hàng có nợ lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng dư nợ của Habubank, thậm chí họp đến 12 giờ đêm, để đưa ra giải pháp đối với từng doanh nghiệp.

Về nguyên nhân nợ xấu của Habubank, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, lý giải là do ngân hàng này đã tập trung tín dụng, đầu tư vào một số khách hàng lớn, vào một số ngành, lĩnh vực tương đối rủi ro và chịu tác động lớn từ biến động của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn có nhiều tác động bất lợi cả bên trong và ngoài 2008 - 2010.

Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng, phải thừa nhận hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro, kiểm tra kiểm soát nội bộ của Habubank cũng có vấn đề lớn.

“Từ góc độ thanh gia giám sát ngân hàng, nếu chúng tôi không nhận diện được, không theo dõi giám sát chặt chẽ trong thời gian dài thì không thể nắm bắt, khoanh vùng và đưa Habubank vào trong diện tái cơ cấu ngay loạt đầu tiên”, ông Nghĩa nói.

Người Habubank chưa tham gia quản trị, điều hành

Về hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập, ông Hiển nhấn mạnh đây là trường hợp sáp nhập chứ không phải hợp nhất. Theo đó, cơ cấu Hội đồng Quản trị SHB vẫn giữ nguyên; trong trường hợp cổ đông, thành viên Hội đồng Quản trị của Habubank có nguyện vọng tham gia hội đồng quản trị mới sau sáp nhập thì sẽ xin ý kiến đại hội đồng cổ đông và bầu bổ sung.

“Vì Habubank sáp nhập vào SHB chứ không phải hợp nhất, vẫn giữ pháp nhân SHB và hoạt động với Hội đồng Quản trị và Ban điều hành như vậy. Nếu cổ đông của Habubank có nguyện vọng tham gia, đề xuất thì chúng tôi sẽ tiến hành xin ý kiến và bầu. Căn cứ vào quy mô mới, Ban điều hành sẽ cân nhắc và bổ sung theo năng lực của Ban điều hành của Habubank nữa”, ông Hiển cho biết.

Theo ông Hiển, bộ máy tổ chức cơ bản của Habubank sau khi sáp nhập sẽ được thực hiện theo bộ máy tổ chức của SHB. Cán bộ nhân viên thì căn cứ theo năng lực và nhu cầu sẽ được tiếp nhận nguyên nhưng sẽ sắp xếp công việc theo năng lực phù hợp nghiệp vụ, bộ máy tổ chức, đảm bảo sau sáp nhập hoạt động chuyên nghiệp.

Về cổ đông nước ngoài, sau khi có thông tin sáp nhập, Deutsche Bank đã làm việc với SHB. “Sau khi làm việc khoảng một giờ đồng hồ, sau khi trình bày kế hoạch kinh doanh, Deutsche Bank rất vui vẻ mong muốn tiếp tục là cổ đông của SHB. Họ không có ý định thoái vốn, mà gắn bó cổ đông lâu dài”, ông Hiển cho biết thêm.

Bên cạnh tỷ lệ nợ xấu, SHB đưa ra tỷ lệ an toàn vốn sau sáp nhập là 11,39%. Tỷ lệ này cao hơn tiêu chuẩn quốc tế (9%), cao hơn dự tính của một số tổ chức đầu tư đưa ra vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Lê giải thích, tỷ lệ an toàn vốn của SHB đến cuối tháng 6/2012 là 14,45% và của Habubank là 4,24%; sau khi hợp nhất, căn cứ theo Thông tư 13 và được tính là 11,39%, trong đó vốn cấp 1 của Habubank chỉ tính còn 524 tỷ đồng và vốn cấp 2 là 184 tỷ đồng (vốn cấp 1 tính trên việc giảm trừ nợ quá hạn của Vinashin).

Tổng giám đốc SHB cũng nói rằng, hiện vốn khả dụng của ngân hàng đang dư thừa hơn 10.000 tỷ đồng, cùng với lượng giấy tờ có giá trị giá khoảng 12.000 tỷ đồng nên chủ động được các phương án đảm bảo an toàn sau sáp nhập.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.