CafeLand – Để giới thiệu và bán được sản phẩm nhiều doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng vẽ ra những câu chuyện rất lung linh về dự án, thậm chí cả những câu chuyện không có thật. Thế nhưng sau khi thu hàng trăm tỉ của khách hàng thì “người kể chuyện” bỗng dưng mất tích, còn người mua thì đau khổ vì “tiền mất tật mang”.

Chuyện giả nhưng tiền thật

Từ tháng 1/2018, Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Bảo Long (Công ty Bảo Long) có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM đã tổ chức giới thiệu và rao bán rầm rộ một dự án với 73 nền đất nằm trên đường Nguyễn Đôn Tiết, quận 2.

Công ty này đã cho vẽ dự án với phối cảnh lung linh gồm những dãy nhà phố được thiết kế sang trọng. Đồng thời, để tạo lòng tin cho khách hàng, nhiều hoạt động san lấp mặt bằng, một số hạ tầng cũng được triển khai trên khu đất.

Khách hàng căng băng rôn đòi tiền Công ty Bảo Long

Công ty Bảo Long cam kết, chỉ 6 tháng sau khi khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư doanh nghiệp này sẽ ra sổ riêng từng nền cho người mua.

Nhiều khách hàng đã tin tưởng và đóng cho Công ty Bảo Long số tiền lên đến 120 tỉ đồng. Với những viễn cảnh đã được doanh nghiệp này vẽ ra trước đó, nhiều người mua mừng thầm vì nghĩ rằng mình đã có một suất đầu tư tốt.

Thế nhưng tất cả đã phải bàng hoàng khi biết được câu chuyện hấp dẫn về dự án chỉ là giả. Ngay cả khu đất được rao bán cũng không thuộc chủ quyền sở hữu của Công ty Bảo Long. Hạ tầng xây dựng trên khu đất là trái phép và bị chính quyền cưỡng chế.

Như vậy, họ đã bỏ cả trăm tỉ đồng để mua một câu chuyện, một dự án hoàn toàn không có thật.

Những ngày cuối năm 2020 với vợ chồng anh Bình trở nên nặng nề với bao nỗi lo toan. Tất cả đều do họ đã lỡ tin vào câu chuyện mà chủ đầu tư dự án Kingsway Tower (quận Bình Tân, TP.HCM) đã kể về một tổ ấm đáng mua vào năm 2019.

Anh Bình chia sẻ, hai vợ chồng lập nghiệp đã hơn 10 năm ở TP.HCM và mong muốn tìm một chốn an cư cho con cái thoát kiếp ở trọ.

Anh được giới thiệu dự án Kingsway Tower do Công ty TNHH Siêu Thành làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 8.400m2 với quy mô gần 500 căn hộ.

Lúc giới thiệu về dự án này chủ đầu tư đã dùng nhiều hình ảnh, video để phác thảo về dự án một cách rất hấp dẫn với đầy đủ các tiện ích từ hồ bơi, công viên cây xanh, nhà trẻ… Khi đặt bút ký hợp đồng chủ đầu tư cũng khẳng định chắc nịch sẽ bàn giao căn hộ cho anh Bình vào quý 1/2019.

Dự án Kingsway Tower "đứng bánh" trong khi chủ đầu tư mất liên lạc

Để mua được căn hộ hơn 1 tỉ đồng, ngoài đồng lương tích cóp của hai vợ chồng trong nhiều năm, anh Bình còn huy động cả nguồn lực hai bên nội ngoại và một khoản không nhỏ vay từ ngân hàng.

Hào hứng lúc ban đầu bao nhiêu thì bây giờ vợ chồng anh Bình càng nặng lòng bấy nhiêu. Căn nhà mơ ước này chỉ là khối bê tông xám xịt bất động. Trong khi “người kể chuyện” là chủ đầu tư giờ không thể nào liên lạc được.

“Nếu họ làm đúng như đã nói với mình thì vợ chồng tôi giờ đã có thể vui vẻ chuẩn bị cho cái tết đầu tiên trong căn nhà mới. Không như bây giờ vừa phải ở trọ, vừa trả tiền nợ mua nhà”, anh Bình than thở.

Bình mới rượu cũ

Để giới thiệu về dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án hình thành trong tương lai thì những câu chuyện truyền thông, hình ảnh phối cảnh, thông điệp dự án tương lai luôn luôn được các doanh nghiệp chú trọng.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp dành rất nhiều tiền của để tạo ra những câu chuyện tương lai thật hấp dẫn, đây là cách để họ cho người mua có thể tương tác với sản phẩm khi chưa thành hình.

Mọi chuyện sẽ rất tốt đẹp nếu những câu chuyện đó được xây dựng dựa trên những yếu tố bài bản, có cơ sở và chủ đầu tư nói được làm được.

Tuy nhiên, thực tế lại có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ tập trung “phần nói” chứ không làm. Liên tục trong thời gian vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hàng loạt giám đốc các công ty bất động sản như vậy.

Hàng loạt giám đốc công ty bất động sản vẽ dự án ma bị khởi tố

Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Quốc Hưng (40 tuổi, quê Hưng Yên, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Hưng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư KingLand (gọi tắt là Công ty KingLand) có trụ sở tại quận Thủ Đức.

Công an TP.HCM cho biết, thời gian qua đơn vị nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân là khách hàng mua đất nền tại dự án Khu nhà ở Định An (KingLand Home City 5) của Công ty KingLand.

Hàng chục người dân đã đóng số tiền lớn cho Công ty KingLand song công ty này sau đó đã không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng chuyển nhượng.

Cơ quan điều tra cho biết, dự án KingLand Home City 5 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt dự án. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Trịnh Quốc Hưng, KingLand đã tự vẽ phân lô dự án rồi cho quảng cáo rầm rộ để ký hợp đồng hơp tác đầu tư, hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng với nhiều khách hàng.

Sau khi thu khoản tiền lớn của người mua, KingLand Home không thực hiện cam kết mà lảng tránh, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Trước đó, Nguyễn Đức Tâm - Giám đốc Công ty bất động sản Đức Tâm Land (có trụ sở tại số 1262/8 Phạm Thế Hiển, Phường 5, Quận 8, TP.HCM) cũng bị cơ quan điều ra phát lệnh truy nã.

Theo cơ quan điều ra, Tâm với vai trò là giám đốc của Đức Tâm Land đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với một chủ đất ở Đồng Nai. Theo đó, Đức Tâm Land sẽ có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện đầy đủ các thủ tực pháp lý dự án trước khi ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu nhận chuyển nhượng.

Tuy nhiên, sau đó Tâm đã tự ý lập bảng vẽ phân lô khu đất thành 86 nền khi chưa đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa lập hồ sơ xin cấp phép dự án, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tâm đã ráo bán cho nhiều khách hàng nhằm chiếm đoạt hàng tỉ đồng rồi bỏ trốn.

Theo các chuyên gia bất động sản, chiêu thức lừa đảo của những doanh nghiệp trên không hề mới vì đã có hàng chục câu chuyện tương tự xảy ra trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân có thể là do doanh nghiệp đó quá khôn khéo để sáng tạo câu chuyện hấp dẫn, chặt chẽ để qua mặt được khách hàng. Cũng có thể do sự thiếu quản lý giám sát của cơ quan chức năng tại địa bàn dự án. Nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn nằm ở chính người mua.

“Thực tế là không ai thông minh bằng khách hàng. Họ cầm đồng tiền của mình cật lực làm ra nên mua cái gì họ đều tính toán rất kỹ. Nếu bị lừa thì một là do họ không chịu khó tìm hiểu thông tin, không nắm vững pháp lý. Hai là họ biết có rủi ro nhưng vì ham giá rẻ, mong muốn kiếm tiền kiểu lướt sóng nên dễ bị dẫn dắt lao vào rồi không thoát ra được”, Giám đốc một công ty bất động sản cho biết.

  • Đi đòi đồng tiền “mồ hôi, xương máu”

    Đi đòi đồng tiền “mồ hôi, xương máu”

    CafeLand – Nhiều người phải tích cóp cả đời để có thể mua một căn nhà, đầu tư một miếng đất. Đó chính xác là những đồng tiền từ “mồ hôi, xương máu” được họ gửi gắm để tìm một chốn an cư, hay kiến tạo một tương lai. Nhưng các dự án bất động sản “ma” đã cướp trắng giấc mơ của họ.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.