Cùng với các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương tại khu vực miền Trung đã và đang xúc tiến triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng khác. Đây được xem là 'chỉ điểm' đáng tin cậy về kỳ vọng sẽ mở ra những vùng đất phát triển mới tại khu vực này.

Một dự án bất động sản tại khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

HĐND thành phố Đà Nẵng vừa phát đi thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa X với việc xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua 9 nghị quyết trên các lĩnh vực với tỷ lệ thống nhất cao.

Đáng chú ý, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư loạt dự án nhóm B với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Có thể kể đến như, dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng; cầu và đường dẫn cầu Quảng Đà với tổng mức đầu tư hơn 274 tỷ đồng;...

Bên cạnh dự án nạo vét sông Cổ Cò, dự án cầu và đường dẫn cầu Quảng Đà kết nối khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận.

Đây là dự án hạ tầng giao thông được đầu tư nhằm kết nối tuyến đường vành đai phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, kết nối về giao thông vận tải giữa huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) thông qua các tuyến đường quốc lộ 14B, đường vành đai phía Nam thành phố Đà Nẵng, đường ĐT 609 Quảng Nam và tuyến đường quốc lộ 1A.

Việc kết nối nêu trên nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam).

Bên cạnh những dự án về hạ tầng, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết các nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trên địa bàn thành phố.

Trước đó, tại Tờ trình số 27/TTr-UBND, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị HĐND thành phố xem xét, quyết định các nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, tỷ lệ 1/2.000; phân khu Sinh thái phía Đông - Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, tỷ lệ 1/2.000; phân khu xây dựng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ 1/2.000; phân khu xây dựng sinh thái phía Tây - Khu vực thuộc P.Hòa Hiệp Bắc, tỷ lệ 1/2.000; phân khu khu vực đỉnh và chân núi Bà Nà, tỷ lệ 1/2.000;...

Hàng loạt đồ án quy hoạch phân khu nêu trên một khi được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng nói chung và khu vực huyện Hòa Vang nói riêng.

Sông Trường Giang, đoạn chảy qua địa bàn huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

Quảng Nam sắp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nạo vét sông Trường Giang

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, sớm đàm phán Hiệp định vay vốn theo đề nghị của Ngân hàng Thế giới, UBND tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh bất thường quyết định nội dung chủ trương đầu tư dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) nhóm B thành nhóm A.

Tại Công văn số 9292/UBND-KTTH ngày 24/12/2021, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam tổng vốn thực hiện khoảng 2.748 tỷ đồng, tương đương 118,7 triệu USD, với địa điểm thực hiện tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Dự án có quy mô đầu tư gồm nạo vét sông Trường Giang với tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60km, từ Ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa); xây dựng mới 6 cầu vượt sông Trường Giang.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mục tiêu của nạo vét sông Trường Giang nhằm thông suốt tuyến vận tải thủy từ Cửa Đại đến Cửa Lở (An Hoà) góp phần phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế khu vực vùng Đông của tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng trên sông cũng như phát triển các khu du lịch dọc theo tuyến sông từ Hội An xuống vịnh An Hòa; tăng cường khả năng thoát lũ, góp phần tiêu thoát úng thủy trong vùng dự án và các vùng phụ cận nhằm giảm thiệt hại về mùa màng, nâng cao năng suất và đời sống của người dân trong vùng hưởng lợi.

Như vậy, đây là hoạt động nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, với mục tiêu của công trình là cải tạo khôi phục lòng sông và vận tải đường thủy, đồng thời phát triển du lịch, đô thị, công nghiệp ở khu vực vùng Đông, góp phần giảm ngập úng, tạo động lực phát triển chung cho toàn tỉnh.

Novagroup muốn làm dự án quy mô 3.000 ha tại khu vực ven sông Trường Giang, ven biển Duy Xuyên

Trong khi dự án nạo vét sông Trường Giang vẫn đang trong quá trình xúc tiến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, hàng loạt 'ông lớn' bất động sản đã đổ về vùng đất này tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đơn cử, ngày 02/3/2022, Công ty Cổ phần Novagroup có văn bản số 15/2022-CV-NVG gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam về việc xin nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị biển trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, dự án có tên thương mại là Khu đô thị biển NovaWorld Hội An, với quy mô 3.000 ha. Vị trí dự kiến đầu tư dự án thuộc xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương, (huyện Thăng Bình), dọc theo ven sông Trường Giang và khu vực ven biển.

Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng khu đô thị biển bao gồm khu trung tâm thương mại dịch vụ tài chính, khu nhà ở thấp tầng, khu nhà ở cao tầng, các trung tâm dịch vụ công cộng đô thị, các trung tâm nghiên cứu,...

Chưa hết, trong kỳ họp sắp đến, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng sẽ xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) nhóm B thành nhóm A, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng Đông của tỉnh. Đồng thời mở ra nhiều vùng đất phát triển mới xung quanh tuyến đường ven biển này.

Đối với dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) nhóm B thành nhóm A, UBND tỉnh đã gửi hồ sơ trình Bộ Giao thông vận tải và Cơ quan chuyên môn thẩm định là Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có Công văn số 397/CQLXD-DAĐT2 ngày 17/02/2022.

Trong đó có nội dung “tổng mức đầu tư của dự án là 2.056,7 tỷ đồng theo Điểm a, Khoản 3, Điều 8 Luật Đầu tư công thì dự án thuộc nhóm A, tuy nhiên chủ trương phê duyệt là nhóm B”.

Dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách Trung ương; kế hoạch vốn năm 2022 đã bố trí cho dự án 190,556 tỷ đồng và để thuận lợi trong thẩm định, phê duyệt dự án và khởi công năm 2022 thì cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ nhóm B thành nhóm A.

Bình Định cũng không hề kém cạnh!

Lãnh đạo tỉnh Bình Định vừa chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt xúc tiến các hồ sơ, thủ tục, chuẩn bị mặt bằng để sớm khởi công hàng loạt dự án giao thông quan trọng trên địa bàn. Đây là những dự án giao thông được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều vùng đất phát triển mới tại tỉnh Bình Định trong thời gian đến.

Đơn cử như, tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; đường kết nối thị trấn An Lão với đường An Hòa đi Ân Hảo Tây; đường ven biển tỉnh Bình Định, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; tuyến đường từ núi Ghềnh đến giáp đường ven biển (ĐT.639), huyện Phù Cát; đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị Hoài Nhơn; đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; Đường phía Tây huyện Vân Canh (từ khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định đến thị trấn Vân Canh); đường ven biển (ĐT.639), đoạn từ Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.