12/06/2017 4:01 PM
Đại biểu Lào Cai đề nghị tăng dư nợ tín dụng lên 20% để thúc tăng trưởng, song vị khác ở Tp.HCM cho rằng phải cân nhắc giải pháp này.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Tp.HCM) phát biểu tại nghị trường.
Như VnEconomy đã thông tin, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 9/6 tại Quốc hội, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đã đề nghị để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7% có thể dùng giải pháp tăng trưởng mức tín dụng thêm 2%, lên 20%.
Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Trần Anh Tuấn (Tp.HCM) cho rằng nên cân nhắc thận trọng giải pháp này.
Nên chăng ưu tiên nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ cho nền kinh tế hiệu quả hơn, sẽ tốt hơn - đại biểu nói.
Theo đại biểu, từ năm 2013 tới nay Chính phủ đang thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, năm 2016 đầu tư từ ngân sách tăng 5,2% so với kế hoạch. Bội chi có xu hướng tăng, bình quân năm 2011- 2015 là 5,2%, năm 2016 là 5,64% cao hơn kế hoạch.
Rồi, mặt bằng thuế suất thì có xu hướng điều chỉnh xuống, tức là đang cung tiền cho nền kinh tế rất mạnh. Chính sách tiền tệ thì độ sâu tài chính M2/GDP cũng tăng thông qua tín dụng tăng trưởng cho nền kinh tế, từ năm 2013 trở lại đây thì tăng 18%.
Tất cả những chính sách mở rộng này sẽ tăng lượng cung tiền cho nền kinh tế và mở rộng phát triển sản xuất - đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề cập một nghịch lý là việc huy động trái phiếu Chính phủ 2016 là 60.000 tỷ, năm 2017 khoảng 50.000 tỷ nhưng giải ngân năm 2016 chưa hết, chuyển qua năm 2017 là 12,5 ngàn tỷ. Năm 2017 tới nay thì giải ngân chỉ được 10,4% kế hoạch.
"Chúng ta hút tiền ở nền kinh tế vào mà lại giải ngân chậm tức là triệt tiêu chính sách tài khóa tiền tệ mở rộng, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đối với tăng trưởng kinh tế" - đại biểu phân tích.
Vẫn theo đại biểu Tuấn thì cùng với thâm hụt ngân sách, nợ công tăng lên, gần chạm mức 65%, hiện nay là 63,7%. Gánh năng nợ công khiến áp lực trả nợ ngày càng tăng, huy động nguồn lực của nền kinh tế phục vụ cho việc trả nợ công làm cho chính sách tài khóa tiền tệ mở rộng sẽ bị triệt tiêu, gây nên một nghịch lý trong điều hành chính sách tiền tệ.
Hiệu quả việc thực thi chính sách tiền tệ bị hạn chế và tác động tới tăng trưởng kinh tế, đó là nguyên nhân rất quan trọng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch đề ra, đại biểu Tuấn nhìn nhận.
Cũng đề cập đến tăng trưởng tín dụng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) nói, hiện nay số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân gửi vào ngân hàng đạt trên 6 triệu tỷ đồng gấp 1,2 lần GDP, giúp cho ngân hàng có được nguồn vốn đáp ứng được cho nền kinh tế với độ sâu lên đến 122% (dư nợ tín dụng trên GDP).
Tuy nhiên, cần sớm cơ cấu lại thị trường tài chính vì không nên để ngân hàng đảm đương toàn bộ vốn, kể cả ngắn hạn và trung hạn, vì nếu như vậy nợ xấu sẽ tiếp tục phát sinh. Vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn đó phải để thị trường chứng khoán - đại biểu Ngân phân tích.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng tín dụng tăng 18% là mức hợp lý.
Như thế tín dụng trên GDP cũng khá cao, trên 120% rồi. Cứ hình dung tăng trưởng kinh tế 1 năm 6-7%, lạm phát 3-4% thì GDP danh nghĩa là 11%, nếu tín dụng tăng 18% thì 3 năm nữa thì sẽ là bao nhiêu? ông Ngoạn đặt vấn đề.
Tái cơ cấu, đổi mới để nâng chất lượng tăng trưởng sẽ là động lực chính chứ không phải mở rộng chính sách tiền tệ - Chủ tịch Uỷ ban Giám sát nhấn mạnh.
Ông Ngoạn cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay là xử lý nợ xấu chứ không phải mở rộng tiền tệ và tài khoá.
Cũng liên quan đến tăng trưởng, gói lại phiên thảo luận kéo dài đến 18h30 ngày 9/6, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc chỉ tiêu này trong quý 1 năm 2017 chỉ đạt 5,1%, nên muốn đạt tăng trưởng theo kế hoạch 6,7% thì tăng trưởng trong các quý còn lại rất cao. Do vậy, đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp tích cực trong quá trình thực hiện.
Phó chủ tịch cũng nhắc lại quan điểm của đại biểu là không nên tăng khai thác tài nguyên khoáng sản, bán rẻ để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP và thu ngân sách nhà nước.
Nguyên Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.