02/11/2023 11:44 AM
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng tuyến Yên Viên - Kép - Đồng Đăng và Lưu Xá - Kép - Cái Lân có tiềm năng kinh tế, du lịch lớn, nhưng chưa được quan tâm đầu tư.

Tại phiên thảo luận về tình hình ngân sách, đầu tư công tại Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, Chính phủ đang tập trung nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư lớn cho giao thông đường sắt, dự kiến sẽ được thực hiện sau năm 2025.

Tuy nhiên ngay trong thời điểm này, có một hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác. Đó là hai tuyến đường sắt Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) – Kép - Cái Lân (Quảng Ninh) giao nhau tại ga Kép, Bắc Giang.

Đây là hai tuyến có khổ 1,43 mét duy nhất của cả nước được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc cách đầu mối trung tâm vận tải của Trung Quốc là thành phố Trùng Khánh chưa đến 1.200 km đồng thời ở phía Việt Nam tuyến được kết nối trực tiếp ra biển là cảng nước sâu Cái Lân có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn.

Tuyến đường này có tiềm năng rất lớn về vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Trước hết, tuyến đường sắt này đi xuyên qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 120 tỷ USD, chiếm 30% xuất khẩu của cả nước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc là 175 tỷ USD, chiếm 25% cả nước; kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn 9 tháng 2023 là 35 tỷ USD. Ngành đường sắt đã bắt đầu khai thác tuyến tàu container từ ga Yên Viên hoặc Sóng Thần qua Đồng Đăng đi châu Âu qua Trung Quốc, cho thấy tiềm năng to lớn của vận tải đường sắt cho thương mại quốc tế.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh. Ảnh: Quochoi

Ngoài ra, ông Thịnh nhận định, tuyến đường này cũng có tiềm năng lớn về vận tải hành khách, nếu làm tốt thủ tục xuất nhập cảnh, cải thiện hạ tầng để nâng tốc độ tàu chạy phía Việt Nam, du khách nhiều địa phương ở sâu nội địa Trung Quốc đến Hạ Long, Hà Nội và ngược lại được thuận tiện, đi về trong ngày.

Vì vậy, ông Thịnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề ra các biện pháp, trong đó có bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của hai tuyến đường sắt trên và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn để nhanh chóng khai thác tiềm năng to lớn về tuyến vận tải đã có sẵn này

Đề xuất Nhà nước mua lại dự án BOT của nhà đầu tư tư nhân đang bị lỗ

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, thành phần kinh tế Nhà nước cần là nhà đầu tư chính cho các hạ tầng giao thông chiến lược. “Thông thường, chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân khi ra quyết định đầu tư thường chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt có thể lên đến 20-25 năm, nhưng với Nhà nước, thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50, thậm chí 70-100 năm”, ông Thịnh nhìn nhận đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư.

Với công nghệ thu phí như hiện nay, việc quản lý nguồn thu được khai thác các dự án giao thông chiến lược như đường cao tốc, cầu cảng biển, cảng hàng không đều dễ dàng được thực hiện và giám sát chặt chẽ nên thành phần kinh tế Nhà nước quản lý sẽ không gặp phải thất thoát.

Các nghiên cứu mới nhất về nền kinh tế phát triển đều cho thấy, vai trò của kinh tế nhà nước tại các quốc gia này ngày càng quan trọng và mở rộng thực hiện đúng vai trò dẫn dắt và sửa chữa các khuyết tật của kinh tế thị trường.

Vì vậy, đại biểu đề xuất Chính phủ cần có giải pháp để đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý vận hành khai thác các dự án này.

Theo ông Thịnh, Chủ trương này nên được bắt đầu bằng việc Nhà nước mua lại các dự án BOT đường cao tốc, cầu đường bộ của nhà đầu tư tư nhân đang bị lỗ, không cân đối được phương án tài chính. Ông nhấn mạnh đây là định hướng phù hợp.

Dẫn chứng, đại biểu Thịnh nhắc đến của dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thu phí từ tháng 2/2020 đến nay mới đạt khoảng 30% phương án tài chính. Mức phí với ô tô thấp nhất là 2.000 đồng/km; cao nhất là container 7.200 đồng/km, với chiều dài 64km, chi phí bỏ ra là 128.000-461.000 đồng, thời gian thu phí 17 năm (từ 2020 đến 2037).

Theo đại biểu, đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng xe đi rất ít do mức phí quá cao, trong khi tuyến quốc lộ 1 chạy song song không thu phí. “Nếu Nhà nước mua lại Dự án này, giảm mức phí xuống còn 30%, chắc chắn tuyến đường sẽ được sử dụng hiệu quả, doanh nghiệp chủ đầu tư dự án thoát được thảm cảnh lỗ kéo dài, Nhà nước chắc chắn không chỉ lãi mà còn nhận được nhiều lợi ích khác”, ông Thịnh phát biểu.

Với tư duy này, ông cho rằng Chính phủ sẽ có thêm nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng chiến lược; đồng thời mở ra không gian rộng lớn để huy động, hợp tác với các Quỹ đầu tư Nhà nước của các quốc gia khác.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.