Thu hẹp các hoạt động mua bán vàng miếng tự do, thống nhất quản lý ở sàn giao dịch quốc gia là giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra tại một hội thảo về thị trường vàng sáng 15/3.

Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, việc hạn chế hay cấm huy động, cho vay vàng là không nên vì điều này đồng nghĩa với lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội. Chuyên gia này dẫn một số liệu số thống kê cho rằng, 45% tiền để dành của cư dân Việt Nam, nhất là ở nông thôn, nằm dưới dạng vàng. Chỉ có 24% là tiền mặt gửi ngân hàng, số còn lại đầu tư vào ngoại tệ và bất động sản…


Các chuyên gia đều cho rằng, không nên cấm kinh doanh vàng miếng, mà nên siết chặt quản lý. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank cũng cho rằng rất khó cấm mua bán loại hàng hóa đặc biệt này. Nguyên nhân là càng cấm thì càng tạo điều kiện cho thị trường "chui", gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.

Ông Trúc nhận định, nhu cầu mua và tích trữ vàng của người dân tương tự như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Nếu vàng miếng bị cấm mua bán, người dân sẽ chuyển sang mua vàng hạt, vàng bột. Chuyên gia này cho rằng, ở Việt Nam, vàng miếng nên có chính sách quản lý nhất định thay vì cấm đoán.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Phí Đăng Minh thông tin, hiện nay, số vàng dự trữ trong dân tại Việt Nam rất lớn nhưng chưa thống kê được con số cụ thể. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty SJC, từ năm 1994 đến tháng 4/2008, đơn vị này đã sản xuất 10 triệu lượng vàng miếng với tổng trị giá khoảng 10,539 tỷ USD (theo tỷ giá năm 2008). Còn theo số liệu của Tổng cục hải quan và Ngân hàng Nhà nước, từ năm 1998 đến tháng 9/2010, số vàng nhập khẩu về Việt Nam là 339,86 tấn, xuất khẩu 268,86 tấn. Nhập cao hơn xuất 71 tấn.


"Nên quản lý thị trường vàng miếng chặt chẽ, thay vì cấm đoán", ông Phí Đăng Minh, đại diện Hiệp hội ngân hàng. Ảnh: Tuệ Minh

Theo ông Minh, nhu cầu tích trữ vàng trong dân đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng từ sự kiện Lybia và động đất, sóng thần tại Nhật Bản. Vì vậy, Nhà nước nên đưa ra các giải pháp quản lý thị trường vàng miếng một cách chặt chẽ, thay vì cấm đoán.

Giải pháp quản lý thị trường vàng miếng được nhiều chuyên gia tham dự hội thảo đưa ra là thành lập một trung tâm giao dịch vàng quốc gia. Các đại biểu đều cho rằng việc thành lập một sàn giao dịch vàng tập trung sẽ khơi thông kênh đầu tư vàng, đồng thời tạo dòng chảy cho thị trường dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Đây cũng là bước điều chuyển tất yếu của thị trường tài chính.

Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thì bổ sung, nếu thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia thì sẽ phải là một hệ thống đồng bộ chứ không đơn thuần là nơi mua bán. Theo ông này, mô hình sàn giao dịch, cần thiết phải đáp ứng tiêu chí để cung - cầu quyết định giá tại sàn. Đây sẽ là giải pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi hoặc ghìm giá.

Giám đốc Trung tâm Vàng ACB - Trần Trọng Quốc Khanh cho rằng, ngoài xây dựng sàn giao dịch vàng quốc gia, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng trung tâm giám định vàng quốc gia, lập quy cách cho sản phẩm vàng miếng đồng thời tiến hành thống kê số vàng tích trữ trong dân, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu vàng... Theo ông Khanh, đây sẽ là những giải pháp cốt cán trong quản lý và phát triển thị trường vàng Việt Nam.

Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland