28/02/2018 11:21 AM
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Bộ GTVT góp ý về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGT về giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ. Trong đó đáng chú ý là đề xuất phương pháp thu phí BOT theo chi phí vận tải tiết kiệm được. Đây là cách tính mới so với cách thức thu phí BOT mà Bộ GTVT đang áp dụng.

Có phải là giải pháp hiệu quả cho vấn đề BOT?

Theo đề xuất của VCCI, cả hai phương án tính phí BOT mà Bộ GTVT đang áp dụng có những bất cập nhất định. Cụ thể, đối với cách tính phí toàn tuyến, thường chỉ áp dụng cho những dự án thu phí mở và hầm đường bộ.

Bởi cách tính này không quan tâm đến chiều dài tuyến đường, chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông trước và sau khi có dự án đường bộ. Trong khi đó, phương án tính phí theo chiều dài tuyến đường lại chủ yếu căn cứ vào chiều dài tuyến đường trong khi các yếu tố về chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông chưa được quan tâm. Đây là phương án tính phí thường áp dụng cho những dự án thu phí đóng.

Từ phân tích của VCCI có thể thấy, cả hai phương án tính phí BOT đều có điểm chung là cách định giá chung chung, dễ gây phản ứng tiêu cực từ phía chủ phương tiện và không khuyến khích được nhà đầu tư tham gia các dự án BOT. Điều này đã bộc lộ rõ trong thời gian qua, khi rất nhiều dự án BOT giao thông vấp phải sự phản đối của người dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc được đưa ra là nhiều người, dù chỉ đi một chặng ngắn, lại phải trả phí cho cả tuyến đường dài.

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Thanh Hải.

Để giải quyết những bất cập trên, VCCI đề xuất Bộ GTVT xem xét áp dụng phương pháp tính giá sử dụng dịch vụ đường bộ cho các phương tiện, dựa trên chi phí vận tải tiết kiệm được của từng phương tiện, khi sử dụng tuyến đường mới đầu tư xây dựng so với tuyến đường cũ trước đó.

Nói cách khác, cách tính phí này được xây dựng căn cứ vào hiệu số giữa chi phí phương tiện phải bỏ ra khi đi tuyến đường cũ và chi phí khi sử dụng đường mới. Ví dụ, một ô tô đi từ địa điểm A đến địa điểm B, khi đi trên tuyến đường cũ chi phí hết 200.000 đồng nhưng khi đi trên tuyến đường mới chỉ hết 100.000 đồng. Có nghĩa chi phí tiết kiệm được là 100.000 đồng. Và con số này chính là căn cứ để tính phí BOT theo đề xuất của VCCI.

Ngoài ra, VCCI cũng khuyến nghị, mức giá đưa ra không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được, theo đúng quy định của Nhà nước. Cách tính này vừa giúp đưa ra một mức phí hợp lý, vừa tránh được tình trạng cải tạo đường cũ, nhưng lại thu phí như đường mới, mà một số dự án BOT hiện nay đang tồn tại.

Phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư

GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp ĐH GTVT: Tùy từng loại xe và cơ cấu luồng hàng hóa, hành khách mà có những mức tiết kiệm chi phí khác nhau. Cách tiết kiệm thông thường là so sánh phương án không sử dụng BOT và sử dụng BOT, còn cách tính dựa theo mức tiết kiệm thời gian để tính ra mức tiết kiệm nhiên liệu, cũng không hoàn toàn hợp lý. Mỗi xe có tốc độ kinh tế về nhiên liệu khác nhau.

Tốc độ nằm trong khoảng 60 – 80km/h là tiết kiệm nhất nhưng đi đường cao tốc, tốc độ có thể lên tới 110 – 120km/giờ thì về mặt tiết kiệm nhiên liệu lại không phải cao nhất. Đây chỉ là một cách tiếp cận, quan trọng là cách tiết kiệm đó làm sao để những người sử dụng dịch vụ tâm phục, khẩu phục.

Đánh giá về phương án tính phí BOT mới mà VCCI đưa ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là phương án tốt nhưng tính khả thi không cao. Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, GS Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế T.Ư cho rằng, cách tính phí BOT mới của VCCI chỉ nên coi là một phương án tham khảo và cần nghiên cứu thêm.

Theo GS Lược, hiện nay hầu như tất cả các dự án BOT giao thông ở nước ta đều tính giá chưa hợp lý, nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư muốn thu hồi vốn một cách nhanh nhất, nên đẩy gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng, cộng với công tác quản lý đối với các dự án BOT giao thông vẫn còn lỏng.

“Theo phương án của VCCI thì cách tính phí BOT sẽ dựa trên lợi ích tài chính mà người tiêu dùng có được khi sử dụng đường mới so với đường cũ. Nhưng hiện nay, lợi ích thực tế mà người tiêu dùng thu được không đáng kể trong khi trả phí quá lớn. Điều này là bất hợp lý. Ở nước ta chi phí logistics (chi phí vận tải) chiếm đến hơn 20% GDP, đây là mức cao nhất thế giới. Như vậy DN cạnh tranh thế nào” - GS Lược phân tích. Đánh giá về tính khả thi của phương án tính phí BOT mà VCCI đưa ra, ông Lược cho rằng, vấn đề chính là các nhà đầu tư có đồng ý hay không.

TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam thì cho rằng, cách tính phí BOT mới này là phương án tương đối tiên tiến và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. “Cách tính này đảm bảo tính công bằng cao hơn, tiết kiệm được chi phí đầu tư, đồng thời động viên được người đóng góp và đảm bảo thu ngân sách Nhà nước tốt hơn” - TS Kiêm nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc áp dụng phương pháp này đòi hỏi khả năng tính toán, giám sát độ chính xác trong cách tính. Nếu như khó quá mà không kiểm soát được, sẽ càng phức tạp và sự công bằng sẽ không được đảm bảo, thậm chí còn nhập nhèm và thiệt hại của người đóng góp càng cao.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Quý Nguyễn (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.