Tôi vào nghề năm 2006-2007, khi đó thị trường bất động sản còn non trẻ, vàng mới ở mức 13 triệu/lượng và đô-la Mỹ đang ở mức 16.000 đồng/đô-la. Khi tập tành kinh doanh và khởi nghiệp, tôi mất tiền và phá sản ba lần, vì nhiều lý do khác nhau.

Lần thì chưa có kinh nghiệm trong quản trị vốn góp với các cổ đông, lần thì thất bại do thị trường thay đổi, lần thì còn quá non trẻ trong việc phát triển công ty. Thời điểm chính thức quay lại nghề bất động sản khoảng năm 2008, thời điểm tôi bắt đầu nghiêm túc cho đến bây giờ.

Lúc mới bắt đầu, lý do vào nghề bất động sản của tôi chỉ đơn giản là nhìn thấy cái hào nhoáng bên ngoài, nghĩ rằng nghề này dễ kiếm tiền để trả hết nợ nần và giàu lên nhanh chóng.

Bất động sản là một ngành nghề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, là rốn tiền của quốc gia. Bất kể là một người giàu hay một người nghèo, một người ở nông thôn hay một người ở thành thị, bất động sản có lẽ là một chủ đề phổ biến nhất, được nhắc đến nhiều nhất và được bàn luận sôi nổi nhất ở tại Việt Nam

Thế nhưng càng dấn sâu, tôi càng bị cuốn hút bởi sự thách thức trong nghề này là rất cao. Những người thuộc giới tinh hoa nhất trong xã hội như chính trị gia thành danh, doanh nhân thành công nhất, các luật sư dày dạn kinh nghiệm, hoặc thậm chí là những người đã rất nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bất động sản tạo nên sức hấp dẫn của một ngành nghề có lịch sử rất lâu đời nhưng vẫn còn rất non trẻ tại Việt Nam.

Càng trải qua nhiều năm, nghề bất động sản dạy cho tôi nhiều trải nghiệm và bài học thực tế mà cá nhân tôi cho rằng ít có ngành nghề nào có được. Sống động nhất có lẽ là bài học và các trải nghiệm liên quan đến thái độ ứng xử với tiền bạc và quyền lợi của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Một người có thể rất đạo mạo, phong thái đại gia khi tiếp xúc ban đầu nhưng khi dấn sâu và đặt câu chuyện tiền bạc và quyền lợi trong một giao dịch bất động sản, ta mới có thể nhìn chính xác hơn về con người của họ. Có những người nhìn xuề xòa đơn giản nhưng khi đã chốt giao dịch, dù có người đến sau trả cao hơn hàng tỷ đồng, họ vẫn không mảy may suy suyển. Với họ, chữ tín thực sự đáng giá ngàn vàng không mua được.

Hoặc một bài học khác, tôi nhìn thấy là cách đối nhân xử thế của nhiều tầng lớp người khác nhau trong xã hội. Có những người chỉ đối xử tốt với ai mang lại lợi ích cho họ. Nhưng cũng có những người khác sẵn sàng chỉ bảo tận tình một người mới quen biết, cho dù người mới này hoàn toàn không đem lại lợi ích gì cho bản thân họ. Cho đi không điều kiện là triết lý trong cuộc sống của nhóm người này, và tôi học được rất nhiều từ họ.

Ông Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Phú Vinh Group

Thị trường bất động sản Việt Nam sắp đạt mốc 30 tuổi (1993-2023). Qua ba thập kỷ hình thành và phát triển, thị trường đã qua ba lần nóng sốt và ba lần đóng băng, đã có nhiều thế hệ những đại gia ra đời, phát triển, suy thoái và tàn lụi như quy luật "sinh, trụ, hoại, diệt" của tự nhiên.

Đã có ít nhất ba thế hệ đại gia ra đời và biến mất. Lúc đương thời thì phát triển rực rỡ, nhưng tuổi xế chiều thì thất bại, thậm chí tù tội, tử tù đã cho thấy sự đào thải khắc nghiệt của thị trường. Nhưng sự hấp dẫn của thị trường bất động sản vẫn luôn luôn tạo ra những làn sóng nhà đầu tư mới (F0) lao vào bất chấp, và để lại nhiều hậu quả khôn lường.

Những năm mới bắt đầu đầu tư bất động sản, thứ quan trọng nhất với cá nhân tôi là kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền. Nhưng khi trải qua nhiều thăng trầm sau 15-16 năm trong nghề, tôi cho rằng sự khác biệt giữa một nhà đầu tư bất động sản thành công và một nhà đầu tư bất động sản thất bại chính là khả năng quản trị nguồn vốn và quản trị rủi ro của chính mình.

Rủi ro trong bất động sản có thể liệt kê ra với gần 10 nhóm. Trong đó tiêu biểu nhất có thể kể đến như rủi ro về pháp lý, quy hoạch, đối tác, tài chính, chủ đất, phong thủy, sản phẩm, chiến lược, chính sách... đều là những rủi ro có thể giết chết một cá nhân hay một doanh nghiệp đang trên đỉnh vinh quang nhất.

Trong một nghiên cứu đầu năm 2021 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản có ảnh hưởng đến trên 40 ngành kinh tế khác. Năm 2021, bất động sản đóng góp 21% GDP và đến năm 2025, có thể lên đến 25% GDP của cả Việt Nam. Quy mô thị trường cả sơ cấp và thứ cấp ở mức 35 tỉ đô la Mỹ.

Cả nước có gần 300.000 môi giới bất động sản, hơn 2 triệu nhà đầu tư cá nhân đang tham gia trong thị trường với hàng chục triệu địa chỉ bất động sản. Tiềm năng tăng trưởng của ngành ở mức 10-15% mỗi năm trong suốt 30 năm vừa qua đã tạo nên một ngành nghề đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế.

Theo nghiên cứu được công bố của World Data Lab (Anh), dự kiến từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 23,2 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Theo dữ liệu từ báo cáo Wealth Report 2021 của Công ty tư vấn Knight Frank, năm 2020, Việt Nam có 19.419 triệu phú USD, giảm 6% so với năm 2019.

Với lượng triệu phú này, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan. Hơn 90% số lượng triệu phú này có kinh doanh bất động sản một cách trực tiếp hay gián tiếp. Những con số này đã cho thấy một bức tranh thực tế về sức hấp dẫn của bất động sản đối với tầng lớp trung lưu, giàu và siêu giàu tại Việt Nam.

Cũng như bao nhiêu ngành nghề khác, nghề bất động sản cũng có đầy đủ hỉ nộ ái ố, có vinh quang và có cả đau khổ. Con đường thành công chỉ đến với những ai có sự kiên tâm, đam mê, trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên tục. Những điều quan trọng nhất trong ngành này là tìm được cho mình một ê-kíp ăn ý, một người hướng dẫn (mentor) có tầm và có tâm. Người hướng dẫn này giúp nhà đầu tư xác định được khẩu vị rủi ro của mình cũng như có một chiến lược đúng đắn trong đầu tư phù hợp với nguồn lực đang có, không ngừng học hỏi và hoàn thiện chính mình liên tục.

Thực sự trong nhiều chục năm sắp tới, bất động sản vẫn sẽ là một ngành đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thành quả xứng đáng sẽ chỉ đến với những ai nghiêm túc theo đuổi chuyên nghiệp con đường đầu tư bất động sản, với một tâm thế và sự hiểu biết sâu sắc về quản trị nguồn vốn, quản trị rủi ro và kinh doanh chân chính.

Phan Công Chánh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.