10/02/2011 8:22 AM
Xác định hoạt động đầu cơ, tạo nhu cầu ảo là thủ phạm chính đẩy giá nhà ở tăng cao và làm cho thị trường nhà ở thiếu ổn định, Bộ Xây dựng cho rằng, để hạn chế đầu cơ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng thuế nhà đất để chặn đầu cơ.
Minh bạch và tăng thuế để kìm đầu cơ
Bộ Xây dựng chỉ rõ hoạt động đầu cơ, tạo nhu cầu ảo là thủ phạm chính đẩy giá nhà ở tăng cao và làm cho thị trường nhà ở thiếu ổn định, Bộ Xây dựng cho rằng, để hạn chế đầu cơ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về giao dịch qua sàn đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở. Đồng thời, thực hiện chế tài không đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với các bất động sản không giao dịch đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xây dựng các chính sách khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tham giao dịch mua bán, cho thuê nhà ở thông qua sàn giao dịch bất động sản.


Để hạn chế đầu cơ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng thuế nhà đất để chặn đầu cơ

Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, bổ sung quy định việc thông báo công khai thông tin, lấy ý kiến góp ý của người dân có liên quan trong tất cả quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở (kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà thầu; lập, phê duyệt quy hoạch và dự án; xây dựng; giao dịch...) trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trụ sở cơ quan Nhà nước để người dân có thể tiếp cận, kiểm tra, giám sát các dự án nhà ở. Đây hiện là khâu yếu nhất, dễ bị giới đầu cơ lũng đoạn, thao túng. Đa số người có nhu cầu đều mù tịt thông tin về các dự án. Dù khả năng tài chính eo hẹp, nhưng rất hiếm người tiếp cận được với căn hộ giá gốc. Hầu hết phải mua lại căn hộ qua “cò” hoặc nhà đầu tư thứ cấp và phải nộp một khoản tiền “chênh” từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần điều chỉnh tăng thuế nhà đất nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả BĐS và hạn chế đầu cơ. Có thể đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp sử dụng nhiều nhà, đất hoặc có sở hữu nhà ở với quy mô lớn. Đồng thời, quy định sử dụng một tỷ lệ nhất định thuế sử dụng đất (khoảng 50%) hỗ trợ cho những người bị thu hồi đất nông nghiệp trong một thời gian nhất định (từ 10 - 15 năm) để họ có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Giới chuyên môn đánh giá, việc tăng thuế sẽ là giải pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang tràn lan tại các khu đô thị mới hiện nay.

Liên quan tới thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Xây dựng lại kiến nghị, nên giảm thuế TNCN khi bán nhà ở để hạn chế thất thu thuế. Cùng với đó, sẽ quy định áp mức thuế TNCN cao hơn nếu cá nhân mua bán nhà ở trong thời gian ngắn (1-2 năm). Định hướng thị trường phát triển tập trung vào mảng nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, Bộ Xây dựng khuyến cáo, cần quy định giảm thuế suất (thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với các dự án nhà ở xây dựng cho các đối tượng xã hội là người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên...
Chấn chỉnh tình trạng bát nháo sàn giao dịch

Thực trạng hiện nay lại cho thấy, các sàn giao dịch BĐS mới chỉ đáp ứng được về mặt số lượng, còn chất lượng rất yếu. Thậm chí, đi ngược lại tôn chỉ là nhằm minh bạch thị trường, một số sàn còn có những vi phạm khiến hoạt động giao dịch thêm tù mù, rối rắm. Kiểm tra mới nhất tại 61 sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội đã phát hiện 25 đơn vị có vi phạm, chiếm tỷ lệ hơn 40%. Vi phạm cũng đa dạng, từ bán BĐS chưa đủ điều kiện giao dịch (chung cư bán khi chưa hoàn thành móng; biệt thự bán khi chưa hoàn thành xây thô) tới việc không công bố thông tin về sàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; bán BĐS khi chưa có giấy phép xây dựng; huy động vốn vượt quá 70%...

Bộ Xây dựng thừa nhận thực trạng trên và nhấn mạnh phải tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống mạng các sàn giao dịch BĐS cũng như thường xuyên kiểm tra công tác đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới, định giá BĐS và thành lập các sàn giao dịch. Đặc biệt, phải liên tục kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là với các hoạt động giao dịch vốn bị buông lỏng lâu nay.

Theo Bộ Xây dựng, nên quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng khi giao dịch về nhà ở để quản lý về thuế và hạn chế rủi ro cho người dân. Bên cạnh đó, phải có cơ chế khuyến khích các giao dịch nhà ở của người dân thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS. Cụ thể, người giao dịch qua sàn sẽ được hưởng ưu đãi về thuế chuyển nhượng, lệ phí trước bạ, được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xác nhận sở hữu...

Cafeland.vn - Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.