Nghị quyết nêu rõ: thời gian qua, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm đã nỗ lực, tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các vùng kinh tế trọng điểm đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2019, cả 4 vùng kinh tế trọng điểm đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Các vùng kinh tế trọng điểm là các cực tăng trưởng quan trọng, đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%. Nổi bật là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong giai đoạn 2011-2019, quy mô GRDP của hai vùng chiếm tỷ trọng hơn 61% trong GDP, thể hiện là các vùng “trọng điểm của các vùng trọng điểm”.
Mặc dù vậy, các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để tận dụng thời cơ, cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, các vùng kinh tế trọng điểm đang đối mặt nhiều thách thức như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước có xu thế tăng chậm. Nguồn thu ngân sách nhà nước chưa bền vững. Một số địa phương nguồn thu còn phụ thuộc một số ngành nhất định. Cơ chế điều phối vùng chưa thực sự hiệu quả. Cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có hoặc còn lỏng lẻo, liên kết và phân công nhiệm vụ giữa các địa phương trong vùng chưa rõ ràng, không phát huy được lợi thế, tiềm năng. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình phát triển mới. Việc huy động nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng còn hạn chế nhất là hạ tầng giao thông; khó khăn về quỹ đất để phát triển khu công nghiệp, thu hút các dự án quy mô lớn. Nhiều vấn đề về quản lý đô thị cần giải quyết như áp lực về tăng dân số, ngập úng, ùn tắc giao thông, nhà ở cho người lao động, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của các vùng kinh tế trọng điểm.
Bên cạnh đó, trước các tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước, phát triển du lịch… đến hết Quý II năm 2020 của các vùng kinh tế trọng điểm đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Xác định các yếu tố bứt phá để vươn lên, phát triển nhanh, bền vững
Để khắc phục những hạn chế trên, phục hồi nhanh và tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm nỗ lực, quyết tâm cao nhất vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển chung của vùng và vì sự phát triển chung của đất nước.
Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện quyết liệt: Đổi mới tư duy, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và xác định các yếu tố bứt phá để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của vùng và của cả nước.
Đồng thời, các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về điều phối liên kết vùng để thúc đẩy liên kết vùng kinh tế trọng điểm đảm bảo chủ động, hiệu quả; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động liên kết vùng.
Chính phủ yêu cầu xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tính liên kết đặc thù của từng vùng; xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp nhiều quy hoạch, thể hiện được vai trò "đầu tàu" của vùng kinh tế trọng điểm với cách làm đổi mới sáng tạo, không tư duy dàn trải, cát cứ, chỉ nghĩ lợi ích một địa phương mà bỏ qua các yếu tố vùng, yếu tố quốc gia.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi liên vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn tác động lan tỏa tích cực, các công trình chống ngập, trữ nước, kiểm soát mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, cần xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong vùng để tập trung thu hút đầu tư, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp, cạnh tranh giữa các vùng và nội vùng; tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng.
Các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm cần luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới, thể hiện vai trò đầu tàu, “hạt nhân phát triển” của nền kinh tế quốc gia.
Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; về huy động nguồn lực đầu tư phát triển; về đào tạo và sử dụng lao động; về cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin vùng; về cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.
Phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm
Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm trong đó có ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ưu tiên cho phép các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm được tăng bội chi trong tổng mức bội chi ngân sách nhà nước để tăng mức vay lại của địa phương, từ đó có thêm nguồn vốn vay để đầu tư cho các dự án quan trọng, quy mô lớn của địa phương; đề xuất cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại và tỷ lệ điều tiết phù hợp trong giai đoạn 2022-2025 cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các địa phương có vai trò “đầu tàu”, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của cả nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng với lãi suất hợp lý giúp doanh nghiệp, người dân khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt để đầu tư các dự án giúp phát huy thế mạnh, tiềm năng của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.
Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phạm vi được giao quản lý để phát triển hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn mang tính kết nối vùng và liên vùng kinh tế trọng điểm.
Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu đô thị khoa học trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng. Xây dựng danh mục các dự án xúc tiến đầu tư, nhất là các dự án FDI dựa trên các tiêu chí lựa chọn như: có giá trị gia tăng và sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có suất đầu tư cao, hệ số sử dụng đất thấp, các dự án có khả năng đóng góp ngân sách nhà nước lớn...
-
Cơ hội trên thị trường địa ốc vẫn nhiều dù kinh tế khó khăn
CafeLand - Cũng như nhiều ngành nghề khác, bất động sản là lĩnh vực đối mặt với nhiều khó khăn khi hứng chịu hai đợt sóng Covid-19 liên tiếp khiến thị trường vẫn đang trong vòng xoáy bất định. Tuy nhiên theo các chuyên gia, vẫn có cơ hội dành cho nhà đầu tư trên thị trường.
-
Việt Nam có thể tự do đến Belarus mà không cần thị thực
Kể từ ngày 30/1, công dân Việt Nam và Belarus chính thức được tự do đi lại giữa hai quốc gia mà không cần xin thị thực. Đây là kết quả của Hiệp định miễn thị thực được ký kết giữa hai nước, mở ra cơ hội phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác song p...
-
Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được tăng trưởng GDP 8%
Đó là dự báo của ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos 55
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Czech, tối 20/1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, Thụy Sĩ....