21/04/2021 2:30 PM
Thời điểm hiện tại, giá đất ở nhiều khu vực thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh... tăng gấp 2, gấp 3 lần so với những năm trước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai... Nhằm đẩy lùi cơn “sốt" giá đất không mang tính bền vững trên, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để ổn định thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Lực lượng chức năng tuyên truyền để ngăn chặn việc “sốt” giá đất tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thanh Ngà

Giá đất vẫn “nóng”

Trong vai người đi mua đất, phóng viên Báo Hànộimới đến xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) và tiếp cận với người môi giới. Người này thông tin, cuối năm 2020, giá đất ở địa bàn chỉ 20 triệu đồng/m2; vị trí đẹp, nằm ven đường rộng có giá khoảng 30 triệu đồng/m2, nhưng nay đã tăng cao... Thậm chí, mảnh đất nằm ven đường trục chính ở thôn Xuân Trạch (xã Xuân Canh) giá đã lên tới 70 triệu đồng/m2. Còn tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh), một "cò đất" cũng giới thiệu mảnh đất nằm ven đường với giá 27,5 triệu đồng/m2 và khẳng định đây là giá "mềm".

Khảo sát tại một số khu vực khác trên địa bàn huyện Đông Anh đều cho thấy, giá đất đã tăng cao trong những ngày gần đây. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, hiện chưa có quy định cụ thể về giá trần, giá sàn với đất thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình, cá nhân. Mặt khác, sau khi Hà Nội có định hướng phát triển thành phố hai bên sông Hồng, huyện Đông Anh có nhiều lợi thế lớn trong phát triển đô thị. Do vậy, nhiều nhà đầu tư mua gom đất ven sông, đất ruộng, vườn, để "đón" quy hoạch, đẩy giá đất tại nhiều khu vực tăng cao.

Không nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, nhưng tại địa bàn các xã Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh... (huyện Ba Vì), giá đất cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần so với những tháng trước đây. Ông Nguyễn Tuấn Hùng, một môi giới bất động sản ở xã Tản Lĩnh cho biết, ở khu vực thôn 9 hoặc nằm tiếp giáp một số dự án đô thị, ven trục đường 414, giá đất hiện khá cao, khoảng 350-500 triệu đồng cho 1m mặt đường kéo dài vào trong khoảng 25-30m. Nếu khách mua, sẽ hỗ trợ làm thủ tục chuyển nhượng với thời gian nhanh nhất...

Còn tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), xã Phú Cát, Hòa Thạch (huyện Quốc Oai), nếu như năm 2020, giá đất chỉ khoảng 10 triệu đến 15 triệu đồng/m2, thì nay nhiều khu vực đã tăng lên 25-30 triệu đồng/m2...

Trước đây, tình trạng “sốt” giá đất ở khu vực ngoại thành đã gây ra nhiều hệ lụy. Theo chị Nguyễn Thị Hồng ở thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì), cách đây vài năm, khi Hà Nội triển khai Dự án đường trục Hồ Tây - Ba Vì, đã có một số trường hợp thế chấp tài sản để lấy tiền "ôm" đất và rơi vào nợ nần khi giá đất xuống thấp. Đây là bài học, là lời cảnh báo cho những người đang đầu tư theo “phong trào”, “ăn theo” cơn “sốt” giá đất bị đánh giá là "ảo" như hiện nay.

Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát việc tăng giá đất ở khu vực ngoại thành. Trong ảnh: Khu đất đấu giá tại xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh).

Tập trung hạ nhiệt cơn “sốt“ ảo

Trước tình trạng nêu trên, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Võ Tuấn Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung nhấn mạnh, trên địa bàn huyện đã xuất hiện tình trạng mua, bán, nhận chuyển nhượng đất chưa đúng quy định, nhất là ở các xã miền núi, gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện... Do đó, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện kiểm soát việc tăng giá đất và cảnh báo việc "sốt" giá đất ảo; đồng thời xử lý nghiêm hoạt động tung tin thất thiệt, gây bất ổn ở địa phương. Mặt khác, Ba Vì đẩy nhanh tiến độ rà soát, thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân tiếp cận thông tin chính thống, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính...

Còn theo Chủ tịch UBND xã Ba Trại (huyện Ba Vì) Hoàng Văn Chuyển, nhằm tránh hệ lụy từ tình trạng “sốt” ảo giá đất, xã đã tích cực tuyên truyền, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân nắm rõ.

Cũng để hạ nhiệt cơn "sốt" giá đất ảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, UBND huyện đã tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn sang đất ở; đồng thời yêu cầu UBND các xã, thị trấn đánh giá lại hiệu quả thực tế của các thửa đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ những năm trước đã và đang được tách thửa… Đối với những địa bàn phức tạp, phát sinh tình trạng "sốt" giá đất, huyện đang xin chủ trương hạn chế việc tách thửa, chuyển đổi mục đích và tăng cường kiểm tra trật tự xây dựng...

Tình trạng "sốt" giá đất ảo ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã khá rõ ràng. Vì thế, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu thông tin chính thống từ cơ quan chức năng trước khi mua đất, tránh bị nhiễu loạn từ tâm lý đám đông để rồi chịu những hậu quả nặng nề...

  • Loạt khu vực ở Hà Nội ‘sốt đất’: Mua bán chủ yếu giữa các nhà đầu cơ

    Loạt khu vực ở Hà Nội ‘sốt đất’: Mua bán chủ yếu giữa các nhà đầu cơ

    Việc đô thị hóa mạnh ở Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2019 khoảng 50%. Tuy nhiên, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.

Ánh Dương (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.