14/09/2021 7:37 AM
Trên toàn cầu, các doanh nghiệp từ các nhà sản xuất mì gói cho đến những gã khổng lồ về chất bán dẫn đang đầu tư mạnh mẽ vào nhà xưởng và máy móc mới, theo những cách mà họ đã không làm trong nhiều năm.

Sự tắc nghẽn nguồn cung do đại dịch Covid-19 đang buộc các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào cơ sở sản xuất mới. Những lời kêu gọi và cảnh báo về môi trường đang thúc đẩy chi tiêu cho xe điện, pin và năng lượng thay thế. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chip bán dẫn lớn trên toàn thế giới đã tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong ngành này.

Ở khía cạnh nhu cầu, chi tiêu tiêu dùng bị dồn nén khiến các doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới bất chấp biến chủng Delta vẫn hoành hành. Bên cạnh đó, lãi suất thấp ở hiện tại, và có lẽ cả trong trung hạn, cũng là động lực để doanh nghiệp tự tin tăng chi phí vốn.

Theo đánh giá của S&P Global Ratings, đầu tư cho tài sản cố định của doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng 13% trong năm 2021 với sự tăng trưởng ở tất cả các khu vực và lĩnh vực, đặc biệt là chất bán dẫn, bán lẻ, phần mềm và vận tải. Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley dự báo đầu tư toàn cầu vào cuối năm 2021 và cuối năm 2022 sẽ bằng 115% và 121% so với trước suy thoái. Đây là tốc độ phục hồi nhanh hơn nhiều so với các cuộc suy thoái trước đó.

Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings Inc., cho biết: “Sự phục hồi trong đầu tư kinh doanh rất quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn, vì vốn lũy kế là chìa khóa để phát triển năng suất. Khi các kế hoạch kích thích kinh tế chưa từng có giảm dần, thế giới sẽ cần đầu tư vào kinh doanh và các cải cách về mặt cấu trúc để duy trì tăng trưởng”.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương sẽ chưa giảm mạnh mua bán trái phiếu kho bạc và chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục rối loạn. Khi đó, vốn đầu tư tăng mang lại một tia hy vọng hiếm hoi cho nền kinh tế toàn cầu từ năm 2022. Đây cũng là một động lực rất khác so với cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, khi chính sách thắt lưng buộc bụng và đầu tư ít ỏi đã khiến việc làm và tiền lương bị ảnh hưởng tiêu cực trong nhiều năm sau đó.

Theo ghi nhận, vốn đầu tư đã tăng tại các thị trường mới nổi cũng như các công ty lớn nhất thế giới.

Tập đoàn Chaudhary Group có trụ sở tại Nepal - với các sản phẩm bao gồm mì, đồ ăn nhẹ và đồ uống cung cấp cho hơn 35 quốc gia - đang mở rộng tại Ai Cập để cung cấp mì cho thị trường châu Phi. Nhà máy mới của họ sẽ sản xuất một triệu gói mì mỗi ngày, sử dụng 500 nhân viên và tiêu tốn khoảng 10 triệu USD cho chi phí phát triển.

GP Sah, Giám đốc kinh doanh toàn cầu của bộ phận hàng tiêu dùng nhanh, cho biết công ty này cũng đang để mắt đến các cơ hội ở Mỹ Latinh. Ông nói: “Chúng tôi muốn trở thành một công ty mì toàn cầu”.

Walmart Inc. vào tháng 2 cho biết họ sẽ đầu tư khoảng 14 tỷ USD trong năm nay vào các lĩnh vực bao gồm chuỗi cung ứng, tự động hóa và công nghệ, tăng từ 10,3 tỷ USD so với năm trước.

Giám đốc tài chính Brett Biggs của Walmart cho biết: “Đầu tư ở thời điểm hiện tại sẽ giúp chúng tôi cải thiện vị thế cạnh tranh. Đây là quyết định mang tính vĩ mô”.

Tại Hoa Kỳ, chi tiêu cho thiết bị, cơ cấu và phần mềm đã đạt mức tăng 13,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6 - tốc độ mạnh nhất kể từ năm 1984. Chỉ riêng chi tiêu cho thiết bị đã đạt mức trung bình 14,4% trong năm qua, cao hơn gấp đôi so với chi tiêu trung bình của giai đoạn 2009-2019.

Craig Arnold, Giám đốc điều hành của Eaton Corp., chuyên sản xuất bộ ly hợp và phanh xe, cho biết: “Trong những năm qua, đầu tư vào các ngành sản xuất tương đối thấp. Vì vậy, chúng tôi cho rằng vốn đổ vào đây rất mạnh mẽ kể từ năm 2022”.

Châu Âu cũng dự kiến sẽ tăng chi phí vốn. S&P Global Ratings dự đoán mức tăng đạt 16,6% vào năm 2021, cao nhất kể từ năm 2006. Đầu tư kinh doanh ở Anh, vốn bị kìm hãm do quốc gia này rời khỏi Liên minh Châu Âu, cũng đã bắt đầu phục hồi nhưng vẫn thấp hơn 15% so với mức trước đại dịch vào cuối quý 2/2021.

Làm việc tại nhà và sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số đã thúc đẩy nhu cầu về chất bán dẫn, khiến đầu tư vào lĩnh vực này luôn thiếu hụt. Vì vậy, Hàn Quốc có kế hoạch chi tiêu khoảng 450 tỷ USD, để xây dựng cơ sở sản xuất chip lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới. Trong đó, Samsung Electronics Co. và SK Hynix Inc. là 2 doanh nghiệp dẫn đầu,

Tại Nhật Bản, các nhà sản xuất phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chip đang đi đầu trong việc khôi phục vốn đầu tư. Rohm Co, một nhà sản xuất chip đang có khách hàng lớn như Toyota Motor Corp., Ford Motor Co. và Honda Motor Co., đang “đầu tư lớn” trong năm tới.

Giám đốc điều hành Isao Matsumoto của Rohm cho biết: “Chúng tôi sẽ bị bỏ lại phía sau nếu không có động thái sớm”.

Nhà sản xuất chip có trụ sở tại Kyoto này có các nhà máy ở Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines, bên cạnh nhiều nhà máy khác trong nước.

Matsumoto nói: “Chúng tôi muốn phân tán các cơ sở sản xuất để giảm thiểu những rủi ro khác nhau từ đại dịch”.

Một động lực khác cho việc tăng chi phí vốn là biến đổi khí hậu, khiến các công ty phải thay đổi về cách thức sản xuất để đáp ứng chính sách năng lượng sạch của chính phủ. Theo dữ liệu từ BloombergNEF, một khoản đầu tư kỷ lục 174 tỷ USD đã được đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió ngoài khơi và các công nghệ xanh khác trong nửa đầu năm nay để hạn chế lượng khí thải carbon. Nguồn vốn đổ vào các lĩnh vực này sẽ vẫn tăng trong thời gian tới.

Tại Trung Quốc, nhu cầu về ô tô sử dụng năng lượng sạch ngày càng lớn. Công ty ô tô điện Xpeng Inc. đã báo cáo khoản lỗ lớn hơn ước tính vào ngày 30/6, tăng gần 50% so với đầu năm. Khoản lỗ này một phần do chi phí R&D và tiếp thị tăng cao.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng chi đầu tư tăng sẽ mất đà tăng nhu cầu tiêu dùng hoặc tình trạng thiếu hàng hóa sẽ chuyển thành dư cung khi đại dịch qua đi. Các nhà kinh tế cũng cho biết một số khoản đầu tư có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi, kéo theo nhiều công việc và các nhà máy chỉ hoạt động trên giấy.

Nhưng các công ty lại đang cho rằng họ có nhiều thứ để mất hơn nếu không tăng chi phí vốn.

Theo Karen Harris, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Bain’s Macro Trends Group tại New York, đầu tư dài hạn sẽ được thúc đẩy bởi các xu hướng tăng tốc như đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc tự động hóa trong lĩnh vực dịch vụ khi dân số ngày càng già đi.

Bà cho biết: “Nhiều doanh nghiệp theo định hướng dịch vụ hiện đang nắm bắt cơ hội này và không tiếc tiền đầu tư để nâng cao năng suất lao động”.

Chủ đề: Kinh tế thế giới
Lam Vy (Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.