27/06/2013 10:00 AM
Nhiều chủ đầu tư rất bất ngờ khi thấy thông tin rao bán đất tại dự án còn đang GPMB dở dang của mình lan tràn trên mạng Internet. Sau một hồi kiện cáo, các thông tin bịa đặt này nhanh chóng được rút khỏi các trang mạng. Thế nhưng, hệ lụy của nó trong đời thực lại chưa thể kết thúc.

Nhiều người dễ bị lừa với những thông tin mua bán bất động sản tràn lan trên các trang mạng (Ảnh minh họa)

Tự “sáng tác” ra giá đất

Rất bức xúc khi dự án còn đang trong quá trình GPMB bị trang Web diaocvietonline.vn “quảng cáo miễn phí” trên Internet, ông Lê Thanh Bình – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển DIA Hà Tây – chủ đầu tư dự án đô thị Tây Nam Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Họ đưa hết lên trang Web này các thông tin cơ bản về dự án. Từ phối cảnh tổng thể tới các thông số quy hoạch, phân khu chức năng... được trình bày khá chi tiết. Đặc biệt, chúng tôi thực sự choáng váng khi trang Web này thản nhiên ghi giá bán đất: 9 triệu đồng/m2!”.

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư và phát triển DIA Hà Tây khẳng định, đây hoàn toàn là những thông tin bịa đặt. Dự án đô thị Tây Nam Tân Lập còn đang trong quá trình GPMB, chủ đầu tư còn chưa được giao đất, nói gì tới chuyện rao bán, lại còn có giá cả cụ thể.

Ông Lê Thanh Bình nói: “Dự án Tây Nam Tân Lập mới GPMB xong khoảng hơn 80%, nên ai rao bán đất là vi phạm pháp luật. Chúng tôi chưa từng cung cấp thông tin về dự án cũng như không có bất cứ giao dịch hay hứa hẹn nào với diaocvietonline.vn. Do đó, chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu ai đó tin vào những gì trang Web này tự sáng tác ra rồi tung lên mạng...”.

Ngay khi phát hiện thông tin đất dự án đô thị Tây Nam Tân Lập bị rao bán với giá 9 triệu đồng/m2 trên Internet, chủ đầu tư một mặt thông báo ngay cho các cơ quan chức năng, đồng thời, cử người tìm tới địa chỉ ghi trên trang Web tại TP Hồ Chí Minh để “hỏi cho ra lẽ”. Khi tới nơi, chủ đầu tư chỉ nhận được câu trả lời là không có đơn vị quản lý trang Web đặt trụ sở tại đây. Gọi vào số điện thoại di động có được từ trang Web, một người đàn ông tên Tài thừa nhận đã lấy thông tin về dự án đô thị Tây Nam Tân Lập từ trang Web thuộc một sở chuyên ngành của TP Hà Nội và tự phịa ra mức giá 9 triệu đồng/m2 trước khi “đẩy” lên mạng.

Ngay khi nhận được phản ứng quyết liệt từ chủ đầu tư, phía diaocvietonline.vn đã rút ngay các thông tin về dự án đô thị Tây Nam Tân Lập khỏi trang Web của mình. Dù các thông tin bịa đặt đã bị xóa khỏi thế giới ảo nhưng sự khốn khổ của chủ đầu tư chưa dừng lại. Sau khi thông tin ảo lan ra, đối tác, khách hàng, cơ quan chức năng và đặc biệt là người dân trong phạm vi dự án... lần lượt gõ cửa để hỏi vì sao chủ đầu tư dám rao bán đất khi dự án còn đang GPMB. Dù chủ đầu tư đã giải thích cặn kẽ nhưng không mấy ai tin.


Không thể tin vào những tờ rơi như thế này để rồi tiền mất, tật mang


Tin “Cuội” dễ mất trắng

Không chỉ các công ty tư nhân, ngay cả các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước cũng là nạn nhân của trò rao bán đất, nhà kiểu “Cuội bán vịt trời” trên mạng. Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) cũng từng phải mệt mỏi giải trình, thanh minh hết nhẽ với dư luận sau khi nhiều “sàn giao dịch” ảo trên mạng ào ào rao bán biệt thự tại dự án Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm – đang thi công hạ tầng - (Hoàng Mai, Hà Nội) với từng lô, thửa và giá bán rất cụ thể. Đương nhiên, ngay khi có “động”, các chú Cuội đã nhanh chóng xóa dấu vết và biến mất, song cũng như Công ty DIA, Tổng Công ty HUD cũng phải mất khá nhiều thời gian, công sức để hóa giải sự hiểu nhầm của dư luận.

Rất nhiều vụ bán nhà đất, căn hộ, biệt thự kiểu “Cuội bán vịt trời” như trên đã bị phát hiện. Đáng tiếc là do phát hiện quá muộn, có nạn nhân đã mất hàng tỷ đồng vì mua phải nhà, đất “vịt trời”. Hàng loạt kẻ lừa đảo, bán đất khống tại các dự án Thanh Hà A của Cienco 5 hay dự án Dương Nội khu B của Tập đoàn Nam Cường đã phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình nhưng hệ lụy về kinh tế - xã hội là khó phục hồi.

Dù sự trừng phạt của pháp luật rất nghiêm khắc nhưng đây đó, những chú Cuội vẫn tìm mọi cách để tiếp cận những nạn nhân mới. Lời khuyên duy nhất cho người dân và các nhà đầu tư là phải luôn cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình, đừng vội vã tin vào những gì trên thế giới ảo.

Đại diện HUD cảnh báo: “Người dân cần hết sức cảnh giác, nếu có nhu cầu, có thể hỏi trực tiếp thông tin từ chủ đầu tư. Không nên tin vào nội dung quảng cáo, tờ rơi hay nội dung rao bán trên mạng Internet, mà nên đến những địa chỉ có uy tín để tìm hiểu, giao dịch và điều quan trọng là phải tận mắt thấy các văn bản, giấy tờ có căn cứ pháp lý liên quan đến dự án… Trường hợp thiếu kiến thức pháp lý về bất động sản, tốt nhất, nên thuê tư vấn pháp luật để đảm bảo giao dịch an toàn...”.

Ngọc Khánh (An ninh Thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.