Khi thị trường nhà đất sôi động, người dân chấp nhận mua giá cao, nộp tiền sớm để mong có nhà ở. Tuy nhiên, bất ngờ thị trường đảo chiều, giá nhà giảm, lãi suất tăng cao... trong khi chủ đầu tư lại trì hoãn tiến độ xây dựng khiến nhiều người xót xa. Bởi, số tiền lớn bị "ngâm" hàng năm trời mà tính theo lãi suất có khi lên đến cả tỷ đồng. Đã không có nhà ở còn mất thêm cả ôtô là tình huống nhiều người đang gặp phải.
Vận đen, chẳng thể kêu ai
Cách đây gần 2 năm, đang muốn chuyển khỏi căn nhà ống chật chội trong làng Trung Hòa, gia đình chị Minh Hằng nhận được quảng cáo về dự án bất động sản lớn tại số một đường Láng - Hòa Lạc. Thấy đây là dự án lớn, lại nằm tại vị trí trung tâm Hà Nội mới - đối diện với Trung tâm hội nghị Quốc gia, gần công viên tương lai và cạnh sân golf được quy hoạch... gia đình chị quyết định đăng ký mua đợt đầu căn hộ hơn 160m2.
Với giá gần 40 triệu/m2, nộp tiền trong gần 2 năm qua, số tiền nhà chị Hằng đã đóng theo hợp đồng khoảng 4 tỷ đồng.
Ban đầu, chủ đầu tư cam kết sau hơn 2 năm sẽ bàn giao nhà cho người dân để hoàn thiện dọn đến ở. Nhưng đến nay, thay vì thực hiện đúng cam kết, dự án chậm tiến độ, mà theo dự kiến mới, phải gần 4 năm nữa may ra mới xong.
Trước đây, để mua được nhà, ngoài việc chấp nhận đóng tiền góp vốn từ khi dự án chưa khởi công với giá cao, chị Hằng còn phải nhờ vả, mất nhiều tiền môi giới, quan hệ... song đến nay, thị trường chững lại, hàng của dự án rao bán ê hề không cần mất phí cũng được săn đón, mà giá lại đang có xu hướng giảm.
Tiền tỷ đã nộp vào chủ đầu tư bị "ngâm vốn", nếu tính theo lãi suất chị đã mất cả tỷ đồng. Chỉ Hằng nhẩm tính, với 4 tỷ đồng trót đóng tiền mua nhà, nếu gửi ngân hàng trong 2 năm dự án chậm tiến độ với lãi suất 18% đã được 1,4 tỷ đồng. Chị đau điếng vì có người tiếc thay, rằng thế là mất hẳn con xe sang còn gì.
"Đã thế, nộp tiền trước những mong mua được giá nhà giá rẻ, ai ngờ giờ giá còn rẻ hơn. Đúng là thiệt đủ đường mà rút ra cũng không được", chị Hằng xót xa.
Cũng như vậy, anh Minh Hùng muốn thoát khỏi căn hộ cũ ở Nghĩa Tân - Cầu Giấy nên quyết định bán với giá gần 2 tỷ đồng, tha lôi vợ con về ở nhờ nhà ông bà nhạc để góp tiền mua đất nam An Khánh.
Anh cho biết, hơn một năm trước, An Khánh là tâm điểm nên ai cũng nghĩ chẳng bao lâu sau khi có đường cao tốc, nơi đây sẽ thành một quần thể đô thị mới. Thậm chí, thời kỳ đó, để đặt mua được đất, anh Hùng còn phải qua một lần cò, mất tiền môi giới, tiền vào hợp đồng... nhưng vẫn vui vì giá đất cư thể tăng từng ngày.
Nào ngờ, niềm vui quá ngắn. Xác định mua để ở nên anh Hùng không quan tâm lắm tới chuyện thị trường trầm lắng, khó bán. Tuy nhiên, điều anh đau nhất chính là An Khánh còn lâu mới có thể ở được. An Khánh sau cơn sốt lắng xuống, cộng với thị trường khó khăn mọi thứ như đình trệ lại.
Anh Hùng nói: "Bây giờ đến xây nhà để ở cũng không làm nổi vì đường sá chưa xong, hạ tầng không có. Đã thế, 2 tỷ bạc đổ vào đó 3 năm rồi, với lãi suất như những năm vừa qua, nếu chỉ tính gửi ngân hàng đã được hơn tỷ bạc, nếu mua vàng cất còn thắng nữa. Còn ở An Khánh bây giờ hoang và buồn, chả biết đến bao giờ mới có thể ở được".
Từng tự hào là người có quan hệ, nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường nhà đất, Trần Công Lộc ở Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội cũng từng nhanh tay đăng ý mua dự án Kim Chung - Di Trạch từ thời "khởi thủy". Đã có lúc, Lộc vui lắm vì dự án này luôn là tâm điểm của thị trường, giá qua vài ba lần sốt đã lên rất cao.
Nhưng bây giờ, nộp tiền vào rồi dự án lại vướng nhiều đường từ chuyện chờ điều chỉnh, chờ công bố quy hoạch chung... khiến việc thi công chậm trễ, mua bán đình trệ. Đến khi qua được những "cái nạn" trên thì thị trường đóng băng... nơi đây lại thành tâm điểm của sự giảm giá trong cơn khủng hoảng của thị trường. Thậm chí, khi quy hoạch mới của Hà Nội được thông qua, hàng loạt dự án mới ra hàng với giá thấp hơn khiến hàng của Lộc chìm nghỉm.
Nhìn thị trường ùn ùn ra hàng để lấy vốn, Lộc buồn bã: "May mà không vay nợ mua đất. Bỏ mấy tỷ vào đó giờ tôi ngồi nhìn mất tiền hàng ngày vì lãi suất cao, còn giá đất giảm mà chưa biết bao giờ mới thoát ra được".
Kẻ hưởng lợi vô can?
Đầu năm nay, thị trường được một phen ồn ào khi người mua nhà Khu Chelsea Park, Yên Hòa - Cầu Giấy, tụ tập phản đối nhà đầu tư vì chậm tiến độ.
Hàng trăm người đã nộp tiền mua căn hộ ở Chelsea Park từ năm 2005 với lời cam kết là hoàn thành sau 30 tháng. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã chậm tiến độ hơn 3 năm trời và nhiều lần thất hứa.
Một số nhà đầu tư cho biết, họ mua chung cư ở đây với giá gốc khoảng 14-15 triệu đồng/m2, cộng với tiền chệnh lệch cả tỷ đồng vì lúc đó khó mua nhà. Đã hơn 5 năm, bỏ ra không dưới 2-3 tỷ đồng nhưng người dân vẫn không có nhà ở.
Nhiều người khóc dở, mếu dở vì phải vay ngân hàng với lãi suất cao và thuê nhà ở tạm chờ ngày có nhà. Bây giờ thị trường đảo chiều, nhiều nơi bán nhà vào ở được ngay, giá hợp lý những họ cũng không có tiền để mua vì đã ném hết vốn vào Chelsea Park.
Một người mua nhà cho biết, chỉ tính 3 năm chậm tiến độ, lãi suất vay thấp nhất là 15% và cao nhất tới 25% thì người nào dính vào Chelsea Park đều mất hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, trái ngược với sự thiệt hại và bức xúc của người dân thì chủ đầu tư gần như vô can và "bình chân như vại". Họ chỉ đối phó bằng những lời hứa hão và thậm chí, đóng cửa công ty, im lặng để trốn tránh nhà đầu tư.
Trước đó, người dân Hà Nội cũng đã từng chứng kiến người mua nhà chung cư dự án ở Hoàng Đạo Thúy của Cienco 1 cũng bị người dân phản đối vì chậm tiến độ. Thực chất, việc chậm tiến độ trong xây dựng, nhất là xây dựng các khu đô thị - là chuyện quá phổ biến ở Hà Nội.
Một khảo sát mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) về thực hiện và sử dụng nhà ở tại một số dự án khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, gần như 100% dự án đều bị chậm tiến độ so với phê duyệt từ 1 đến 3 năm. Điển hình như các dự án khu đô thị mới Quang Minh, khu đô thị Ciputra. Cá biệt có những dự án chậm tới 5 năm như khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh.
Một chuyên gia bất động sản nhận xét, tình trạng này vốn đã không có gì lạ trong thực tế thì nay sẽ còn trầm trọng hơn khi thị trường khó khăn, các chủ đầu tư thiếu nguồn lực đành chậm tiến độ và trì hoãn dự án. Nguy hiểm hơn, sẽ có những dự án bị bỏ mặc hoặc bán lại cho chủ đầu tư khác thì sẽ có nhiều rắc rối khiến người mua mất quyền lợi.
Điều đáng nói là dù gây ra chậm trễ và thiệt hại cho người mua nhưng chủ đầu tư vẫn "vô can" ôm cả đống tiền gửi hưởng lợi mà không hề chịu bất cứ trách nhiệm nào, không một câu xin lỗi. Thậm chí, có nơi chủ đầu tư tỏ thái độ trốn tránh, bất hợp tác và thách thức người mua.
Dù vậy, đa số người mua bị thiệt hại vẫn không thể kêu ca hay đòi hỏi vì thiếu các cơ chế bảo vệ. Đơn giản, hợp đồng mua bán nhà do chủ đầu tư soạn thảo nên thường có mẫu sẵn và bỏ qua các điều khoản bất lợi cho mình. Nhà đầu tư thì thiếu kinh nghiệm, lại nóng lòng mua nhà nên thường không chú ý.
Do đó, khi mua bán nhà, cần phải hết sức tỉnh táo. Mua bán là thỏa thuận dân sự, khách hàng cần xem xét hợp đồng và chủ động thương thảo trước khi đặt bút ký. Cách thông thường là phải cam kết đền bù theo lãi suất ngân hàng nếu không đúng cam kết. Hoặc một cách thông thường là phạt tiền như giao dịch mua bán nhà dân cư tự do.