Nhiều công ty con họ “UDIC” đang làm ăn thua lỗ và một số khác thì dính vào vòng lao lý vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Đất vàng bỏ hoang, công ty con báo lỗ

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC - Công ty TNHH Một thành viên tiền thân là Công ty San nền trực thuộc Sở Xây Dựng Hà Nội được thành lập từ ngày 06/10/1971.

Dự án nhà ở CT13 bị chậm 6 năm của UDIC

Đến ngày 13/04/1990, UBND Thành phố Hà Nội đổi tên thành Công ty Xây dựng Công trình Kỹ thuật Hạ tầng. Sau 6 năm hoạt động, Công ty này lại tiếp tục được đổi tên thành Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC).

Công ty hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con trên cơ sở tổ chức lại Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị với các thành viên (Công ty Con) là các doanh nghiệp Nhà nước, các Công ty Cổ phần, các Công ty Liên doanh thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Giao thông Công chính, Sở Công nghiệp và Liên hiệp Công ty Xuất nhập Khẩu và Đầu tư Hà Nội (UNIMEX).

Là một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, đầu tư xây dựng với số vốn điều lệ lên tới 2.160 tỷ đồng, UDIC đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình khi sở hữu hàng loạt dự án khu đô thị, khu công nghiệp với vị trí và quy mô đầu tư “khủng”.

Các dự án khu đô thị lớn mà UDIC từng triển khai thành công ở Hà Nội như: khu đô thị Trung Yên, Yên Hòa, Nam Thăng Long giai đoạn 1, giai đoạn 2, các công trình hỗn hợp cao tầng tại số 5 Nguyễn Chí Thanh, 101 Láng Hạ, 25 Láng Hạ...

Nếu năm 2005, toàn Tổng công ty có 28 dự án đầu tư thì đến năm 2012 đã có hơn 50 dự án được triển khai ở những giai đoạn khác nhau, trong đó có một số dự án phát triển đô thị quy mô lớn.

Tuy nhiên, dù được sở hữu hàng loạt những dự án “gà đẻ trứng vàng” giữa trung tâm Hà Nội – Những dự án mà nhiều doanh nghiệp tư nhân phải thèm thuồng, thì nhiều công ty con của Tổng công ty UDIC cũng không thoát khỏi vòng xoáy làm ăn thua lỗ.

Mới đây, theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2013 vừa được gửi đến Quốc hội, 7/24 công ty do UDIC đầu tư lỗ lũy kế 339,6 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ của 4/5 công ty thuộc UDIC tăng từ 7,9 lần đến 38,3 lần.

Đặc biệt, báo cáo này cũng chỉ ra 2 dự án "đất vàng" do Tổng công ty này đầu tư là dự án nhà ở CT13 bị chậm 6 năm, dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng cũng bị chậm 8 năm.

Trong đó, khu nhà ở cao tầng CT13 nằm tại Khu đô thị Nam Thăng Long - quận Tây Hồ - Hà Nội có diện tích 2.560m2. Tổng số vốn đầu tư cho dự án là 593 tỷ đồng. Đây là dự án nhà ở cao tầng phục vụ di dân giải phóng mặt bằng và nhà ở để bán kinh doanh.

Dự án được khởi công từ quý I/2009, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2012. Nhưng theo báo cáo kiểm toán vừa được gửi đến Quốc hội thì dự án này đã bị chậm 6 năm.

Dính vòng lao lý

Hàng loạt lãnh đạo công ty con mang “họ” UDIC vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) ra quyết định khởi tố về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Mai (SN 1960), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC) về hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Công ty UAC là công ty con thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC). Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch HĐQT, Công ty UAC hoạt động chủ yếu tư vấn kiến trúc dự án bất động sản.

Trước đó, tháng 7/2008, Công ty UAC tham gia liên doanh với 3 đơn vị là Tổng công ty UDIC, Công ty CP xây dựng công nghiệp - ICC, Công ty CP Thương mại quốc tế và tư vấn đầu tư INVECO thực hiện dự án Tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ N04 thuộc Khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội). Tổ hợp chung cư bao gồm 3 tòa nhà 29 tầng, gồm trên 500 căn hộ, được xây dựng trên tổng diện tích 10.279m2.

Đến tháng 1/2013, do khả năng tài chính và tình hình thị trường bất động sản sụt giảm, công ty UAC đã thoái vốn khỏi dự án trên. Nhưng bà Nguyễn Phương Mai vẫn tự ký thỏa thuận vay vốn với khách hàng, tự lập và ký nhận phiếu thu tiền, làm giả chữ ký của kế toán trưởng, thủ quỹ công ty trên các phiếu thu tiền để chiếm đoạt 24,6 tỷ đồng của 9 cá nhân.

Đến cuối năm 2012, khi có khách hàng đến Công ty UAC thanh lý thỏa thuận vay vốn, sự việc mới được phát hiện. Đến tháng 3/2013, bà Mai xin từ chức, sau đó bỏ công ty không đến làm việc.

Một công ty con khác cũng thuộc họ “UDIC” cũng có lãnh đạo sắp bị khởi tố về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà do ông Trần Ứng Thanh làm tổng giám đốc.

Theo cáo trạng của Viện KSND, ông Trần Ứng Thanh đã bán khống dự án giãn dân phố cổ Việt Hưng cho 143 khách hàng và thu tổng số tiền 169 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng khai nhận dùng hơn 100 tỷ đồng để chạy dự án và tiêu xài cá nhân. Sau khi các đối tượng bị bắt, số tiền tang vật thu được chỉ còn 37 triệu đồng và 3.100 USD.

Châu Anh (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.