Dự án đô thị Vân Canh đã hoàn thiện nhưng vẫn rất ít người đến sinh sống
Thế nhưng, khi thị trường BĐS khó khăn, phân khúc nhà cho người có nhu cầu ở thực lên ngôi, BĐS ngoại thành chưa có cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống dân cư, nên vẫn trong cảnh giảm giá và cạn thanh khoản.
Theo những nghiên cứu gần đây của Savills và CBRE, giá biệt thự, nhà liền kề tại các quận huyện ngoại thành Hà Nội thời gian qua giảm mạnh. Đặc biệt, có khu vực giá biệt thự, liền kề đã giảm từ 20 - 40%.
Khảo sát của phóng viên ĐTCK cũng cho thấy, việc giảm giá thời gian qua không chỉ xảy ra với các dự án chậm triển khai. Nghĩa là dự án mới chỉ dừng lại ở việc phân lô bán nền rồi tạm dừng, do cả nhà đầu tư và chủ dự án đều khó khăn về tài chính. Ngay cả các dự án chủ đầu tư đã hoàn thiện phần xây thô, nhưng hạ tầng vật chất thiếu đồng bộ cũng ế ẩm, chưa dừng xu hướng giảm giá. Khi cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, bệnh viện… còn rất thiếu thốn, nhiều người dân mua nhà tại các dự án BĐS ngoại ô đã hoàn thiện cũng không chịu chuyển đến ở cũng khiến phân khúc này thêm phần hiu hắt.
Những điển hình của dự án BĐS gần hoàn thiện nhưng thiếu hạ tầng xã hội khiến rất ít người mua nhà dám chuyển đến sinh sống có thể kể đến là: Dự án Thiên đường Bảo Sơn dù đã hoàn thiện phần xây thô gần 3 năm nay, nhưng đường nội bộ dự án còn chưa xong, khiến trên 90% biệt thự vẫn chưa có người ở. Hoặc Dự án đô thị Vân Canh của HUD, mặc dù phần nhà thấp tầng giai đoạn 1 dự án đã hoàn thiện, người mua nhà chỉ việc đến ở, song số khách hàng chuyển đến sinh sống tại Khu đô thị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, các dự án chậm triển khai và giá giảm mạnh thì không đếm xuể. Trong đó, nhiều nhất phải kể đến các dự án thuộc địa bàn huyện Mê Linh, huyện Hoài Đức, quận Hà Đông.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Info, thuộc OceanGroup: Về nguyên tắc, nhà ở không thể là một sản phẩm đầu cơ. Nếu giá trị sử dụng không được chú trọng, cũng không thể khai thác được giá trị gia tăng bằng việc cho thuê thì giá trị của BĐS sẽ ngày càng giảm. Điều đó giải thích vì sao trên thị trường, nhà đất tại những dự án mà người dân không thể chuyển đến sinh sống do thiếu hạ tầng xã hội, giá vẫn đang tiếp tục giảm mạnh.
Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land thì cho rằng, trong lúc thị trường BĐS khó khăn, nhà đầu tư thường có xu hướng so sánh hiệu quả đầu tư với lãi suất ngân hàng. Vì thế, một sản phẩm không mang lại giá trị gia tăng, cũng thiếu giá trị sử dụng thì thị giá bị giảm mạnh so với giai đoạn cao điểm đầu cơ là tất yếu.
Theo ông Hà, những dự án BĐS ít giá trị sử dụng do hạ tầng dự án thiếu đồng bộ, hạ tầng xã hội thiết yếu hầu như không có, vốn chỉ sốt nóng vì trào lưu đầu cơ. Đến thời điểm hiện nay, dù giá đã giảm nhiều, nhà đầu tư và người có nhu cầu mua để ở cũng thờ ơ vì không những khó sinh lời, không mang lại giá trị gia tăng, mà việc sử dụng để ở cũng khó vì những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống đều rất thiếu thốn.
“Nếu căn cứ vào các tiêu chí hạ tầng xã hội, là những điều kiện thiết yếu để người dân có thể sinh sống như: chợ, các dịch vụ giải trí, trường học và các tiện ích xã hội… thì hạ tầng tại các dự án như Nam An Khánh, thậm chí cả Bắc An Khánh cũng chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân đến đây sinh sống”, ông Hà cho biết.
Khi giá cả nhà đất liên tục tăng, dường như các nhà phát triển dự án BĐS chỉ quan tâm đến việc bán nhà và thu lợi nhuận, mà quên đi việc khách hàng sẽ sinh sống ở khu đô thị ấy thế nào. Trong khi đó, người mua nhà chủ yếu là nhà đầu cơ, chỉ muốn mua đi bán lại để kiếm lời, mà cũng không quan tâm đến những hạn chế của môi trường sống xung quanh dự án. Vì thế, mặc dù thị trường BĐS ngoại thành đã giảm giá mạnh, nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn rất nhỏ giọt. Bởi những người có nhu cầu về nơi ở thật hiện nay đều đã định hướng cho mình một phân khúc khác. Đó là loại nhà có giá trị sử dụng cao, giá cả phù hợp, cùng với nhiều tiện ích phục vụ sinh hoạt hàng ngày của dân cư đến sinh sống.