Ông Phạm Văn Thảo (SN 1945, ngụ xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, năm 1976, cha ruột ông mua của ông Trịnh Cá (ngụ cùng địa phương) một phần đất diện tích 2.618m2, việc chuyển nhượng có làm giấy mua bán tay. Năm 1977, ông Thảo được cha ruột cho diện tích đất này và ông quản lý, sử dụng liên tục, không tranh chấp với ai. Đến ngày 10/4/2000, UBND huyện Mỹ Xuyên cấp “sổ đỏ” cho ông Thảo.
Vào năm 2018, ông Trịnh Lến (con ông Trịnh Cá) bất ngờ làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Mỹ Xuyên yêu cầu buộc ông Phạm Văn Thảo phải trả lại cho ông Lến toàn bộ diện tích đất 2.618m2 nói trên, với lý do “ông Thảo lấn chiếm từ năm 1992”.
Ông Phạm Văn Thảo trên phần đất tranh chấp (nhà ngoài cùng bên phải là của ông Trịnh Lến).
Theo ông Phạm Văn Thảo, sau khi được cha cho đất, phần đất đó ông nhượng lại cho một người bà thân và cho 3 người con cất nhà ở ổn định. Lúc ông Trịnh Lến có đơn khởi kiện, vụ việc được đưa ra hòa giải tại xã Thạnh Quới nhưng không thành và chuyển về TAND huyện Mỹ Xuyên. Tuy nhiên, tòa huyện cho biết vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan này nên chuyển hồ sơ về TAND tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 28/11/2019, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm, tuyên buộc ông Thảo và các con có trách nhiệm liên đới trả cho ông Lến giá trị 2.618m2 đất, với số tiền hơn 548 triệu đồng; công nhận cho ông Thảo và các con được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất theo "sổ đỏ".
Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên buộc ông Thảo trả giá trị đất cho ông Trịnh Lến.
Ông Phạm Văn Thảo cho rằng, phán quyết của tòa sơ thẩm là chưa khách quan, không đúng quy định pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình ông. Ông Lến cho rằng ông Thảo lấn chiếm đất từ năm 1992 nhưng từ đó đến khi khởi kiện, ông Lến không một lần tranh chấp, khiếu nại gì với ông Thảo.
"Thực tế đất cha tôi mua của ông Trịnh Cá năm 1976, qua năm 1977 cho gia đình tôi sử dụng ổn định từ đó đến nay, được huyện cấp “sổ đỏ”. Từ đó cho đến khi khởi kiện (năm 2017-2018) dù ở sát bên nhau nhưng ông Lến không có tranh chấp với gia đình tôi.
Tòa cho rằng gia đình tôi không có bằng chứng chứng minh việc mua đất từ ông Trịnh Cá nên tuyên buộc chúng tôi phải trả tiền cho ông Lến là không thuyết phục. Bởi đất chúng tôi mua, đã được huyện cấp “sổ đỏ”, còn chứng cứ mua bán đất lúc đó chủ yếu bằng giấy tay, trải qua nhiều biến động mấy chục năm thì làm sao còn lưu giữ được đầy đủ”, ông Thảo bức xúc.
UBND huyện Mỹ Xuyên khẳng định, việc cấp "sổ đỏ" cho ông Thảo là đúng quy định.
Trả lời với tòa án, UBND huyện Mỹ Xuyên khẳng định, đơn xin cấp “sổ đỏ” của hộ ông Thảo đã được xã Thạnh Quới xét đủ điều kiện, được Phòng Nông nghiệp - Địa chính huyện (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) thẩm định trình UBND huyện Mỹ Xuyên ký cấp giấy năm 2000. Việc cấp “sổ đỏ” cho hộ ông Thảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
Nhiều người dân địa phương cũng xác nhận gia đình ông Thảo đã quản lý, sử dụng phần đất nói trên từ năm 1977 cho đến nay. Ông Dương Văn Cảnh (một người dân) cho biết: “Những năm đó (khoảng 1976-1977), đất ở khu vực xã Thạnh Quới, ở tỉnh Sóc Trăng cũng như nhiều địa phương khác ở ĐBSCL rất rẻ, nhiều khi bán cũng khó có người mua. Lúc đó chưa cho phép bán đất đai công khai nên việc chuyển nhượng, mua bán chủ yếu làm giấy tay, thậm chí có khi chỉ là thỏa thuận miệng.
Tôi năm nay gần 90 tuổi, biết ông Thảo ở đó từ năm 1977 cho đến nay, quá trình ở đó không xảy ra tranh chấp với ông Lến. Nay biết tòa xử cho ông Lến thắng kiện thì nói thật không tin nổi”.
Ông Phạm Văn Thảo cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên tòa cấp trên để đòi lại quyền lợi cho mình.
Ông Phạm Văn Thảo cho biết, phán quyết của tòa quá vô lý nên ông đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 28/11/2019 của TAND tỉnh Sóc Trăng đến TAND Cấp cao tại TPHCM, đề nghị xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm, theo hướng bác yêu cầu nguyên đơn và công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình ông.
-
Phó Thủ tướng: Phải đảm bảo công suất khai thác mỏ cát kịp tiến độ thi công cao tốc ở ĐBSCL
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, rà soát, tổng hợp lại trữ lượng, chất lượng, công suất các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để bù trừ giải quyết rủi ro tron...
-
Đề xuất gần 1.900 tỉ xây đường nối cầu Đại Ngãi với quốc lộ 60
Đường nối cầu Đại Ngãi với quốc lộ 60 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 14km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng.
-
Tỉnh có “kho báu” trữ lượng hàng trăm triệu tấn ngay gần bờ biển vừa khai thác thêm mỏ cát 4 triệu m3 để làm cao tốc
Tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cấp 333 và cấp 222 đạt 680 triệu m3. Trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây d...