Mua nhà đất là việc trọng đại cả đời, cẩn thận không thừa. Ảnh: Hoài Nam
Vì sao lại kéo dài? Nguyên nhân trọng yếu nhất chính là vấn đề đòi lại tài sản.
Bỏ 347 tỷ đồng để mua “vịt trời”
Tháng 11/2014, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử Lê Hồng Bàng lừa đảo khoảng 350 tỷ đồng của gần 400 bị hại sau khi đã trả hồ sơ điều tra bổ sung vào tháng 7 trước đó.
Trong suốt những ngày xét xử, từ lúc phiên tòa chưa bắt đầu, cho tới khi trời đã sẩm tối, phòng xử vẫn chật kín người bởi hơn 200 bị hại được triệu tập tới tòa. Không ai muốn ra về trước khi chủ tọa công bố tạm dừng phiên tòa chờ ngày mai làm việc tiếp.
Vụ án xảy ra từ năm 2009, từ đó đến nay, đã hơn 5 năm trôi qua, nhiều phiên tòa đã được mở, một bản án đã bị hủy, cơ quan điều tra đã nhiều lần phải điều tra bổ sung, điều tra lại, nhưng các bị hại vẫn còn nhiều bức xúc quanh việc thu hồi tài sản bị Bàng lừa đảo chiếm đoạt.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 3 - 7/2009, Lê Hồng Bàng (SN 1976, trú tại Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Tổng giám đốc CTCP Sàn bất động sản Việt Nam đã tạo dựng ra 4 dự án bất động sản “ma” để bán cho 397 khách hàng, thu 347 tỷ đồng.
Đồng phạm với Bàng còn có Hoàng Văn Cường, Giám đốc CTCP Đầu tư phát triển xây dựng - thương mại Cường Thịnh và Hà Tuấn Linh, Giám đốc CTCP Đầu tư thương mại Hoàng Hà.
Bàng, Cường và Linh tổ chức thu mua 81.069 m2 đất nông nghiệp của 34 hộ dân tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội) với số tiền 21,3 tỷ đồng và tổ chức san lấp mặt bằng trái phép thông qua Đoàn Văn Kim.UBND huyện Từ Liêm đã nhiều lập biên bản, xử phạt hành vi san lấp trái phép này.
Các bị hại cho rằng, sau khi lừa lấy tiền của khách hàng, Bàng đã dùng tiền để mua hơn 81.000m2 đất trên thông qua Đoàn Văn Kim. Các chứng từ cơ quan điều tra thu giữ được đã thể hiện điều này.
Theo các bị hại, đáng lẽ, các hộ dân phải trả lại tiền và nhận lại đất để lấy tiền đó trả cho bị hại, nhưng các hộ dân đã bán đất cho Đoàn Văn Kim xác nhận không có tiền để trả lại. Do đó, theo các bị hại, cần thu hồi, phát mại diện tích hơn 81.000 m2 để trả cho họ.
Chính việc xử lý 81.000 m2 đất này là mấu chốt khiến cho vụ án kéo dài dai dẳng. Đây là “cọc” duy nhất mà các bị hại của vụ án hy vọng bám vào để vớt vát phần nào tài sản bị mất. Nhất là khi đối tượng cầm giữ phần lớn tài sản của họ gồm có Hoàng Văn Cường (được Bàng chi cho 165,9 tỷ đồng) và Hà Tuấn Linh (nhận 54,3 tỷ đồng) đang bỏ trốn.
“Cầm đèn chạy trước ô tô”
Bốn bị cáo gồm Trần Ứng Thanh (67 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà), Nguyễn Đức Thắng (64 tuổi), Nguyễn Đức Lợi (62 tuổi, Tổng giám đốc CTCP Phát triển kinh tế Hà Nội) và Nguyễn Quốc Xương (56 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Hà) đã phải hầu tòa vì bị quy kết đã bán các căn hộ của một dự án mới chỉ có chủ trương, chưa được ký hợp đồng với chủ đầu tư, chưa có chỉ giới… lấy 169 tỷ đồng.
Vụ án này xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng hay còn gọi là Dự án giãn dân phố cổ.
Dự án này được UBND TP. Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện. Theo hình thức xã hội hóa, UBND quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Đến ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành văn bản giao CTCP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà), thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị xây dựng dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ.
Theo quy kết, dù chỉ có những văn bản chấp thuận về nguyên tắc, dự án chưa được UBND Thành phố xem xét phê duyệt, nhưng Công ty Hồng Hà đã ký kết với nhiều nhà đầu tư thứ phát và khách hàng, rao bán căn hộ thuộc dự án này.
Tổng cộng, từ ngày 1/9/2010 đến ngày 28/5/2012, đã có 146 người ký hợp đồng góp vốn vào dự án này và nộp cho các bị cáo của vụ án số tiền 169,5 tỷ đồng.
Khác với các bị hại trong vụ án Lê Hồng Bàng bỏ gần 400 tỷ đồng vào “dự án ma” ở trên, ở vụ án này, các đối tượng lại có được “thượng phương bảo kiếm” là các văn bản của UBND quận Hoàn Kiếm. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi hàng trăm nhà đầu tư đã bỏ tiền vào dự án.
Tuy nhiên, khi vụ án xảy ra, đại diện của UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, cơ quan này còn thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát văn bản, nên nội dung và thể thức của văn bản còn thiếu chính xác, dẫn đến việc 2 công ty nói trên lợi dụng văn bản đăng tin rao bán căn hộ.
Với các cán bộ UBND quận Hoàn Kiếm đã soạn thảo, ký ban hành các văn bản, các quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng quy định pháp luật để 2 công ty nói trên lợi dụng, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ tài liệu để điều tra xử lý sau. Và tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại UBND quận Hoàn Kiếm.
Mượn danh “ông lớn”
Sau hai lần được đưa ra xét xử trong năm 2014, vụ án Lê Thị Kim Oanh lừa đảo ở Dự án Vân Canh vẫn đang chờ kết quả điều tra bổ sung.
Từ năm 2010, Lê Thị Kim Oanh (SN 1968, trú tại Đống Đa, Hà Nội), thường được giới bất động sản gọi là “Oanh Xã Đàn”, đã bán các lô đất tại Khu đô thị mới Vân Canh và Dự án Khu đô thị Thanh Hà B lấy 152 tỷ đồng (chưa kể 84 tỷ đồng đã trả lại) của 57cá nhân.
Bằng cách gì, bằng chiêu thức nào mà Oanh có thể dễ dàng lừa lấy hàng trăm tỷ đồng của nhiều người?
Trước khi vụ án xảy ra, Oanh và chồng là Đinh Xuân Hưng (SN 1966, trú tại Đống Đa, Hà Nội) thành lập Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản O&H. Đến năm 2009, Oanh đề nghị mua lại 5 ô đất liền kề và 2 ô đất biệt thự tại Dự án Vân Canh của Đặng Quang Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội số 8 (HanHud 8). Vợ chồng Oanh đặt cọc 500 triệu đồng và 20.000 USD.
Với những lô đất này, Oanh tiếp thị, quảng cáo về việc Công ty O&H có quan hệ với các tập đoàn, công ty xây dựng hàng đầu ở Hà Nội, có thể mua các ô đất liền kề, ô đất biệt thự do HUD làm chủ đầu tư với giá ưu đãi, giá gốc. Nhiều người tưởng thật, nên đã ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua đất và giao tiền cho Oanh.
Thấy dễ làm ăn, Oanh đi thêm một bước, bàn bạc với Đặng Quang Long để Long lấy danh nghĩa HanHud 8 ra thông báo gửi cho Oanh với nội dung là HanHud 8 triển khai Dự án Vân Canh tại một số vị trí và giao cho Lê Thị Kim Oanh chịu trách nhiệm thực hiện công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư dự án.
Long còn ra một thông báo khác với nội dung, HunHud 8 mời Lê Thị Kim Oanh đến Công ty tiến hành làm các thủ tục trước khi ký hợp đồng bảo lãnh cho các lô mà HanHud 8 giao cho Oanh thực hiện.Nhờ vào các văn bản giấy tờ này, Oanh đã bán đất khống, thu được 152 tỷ đồng.
Trở lại thời điểm đó, ai cũng biết Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị, lúc đó là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) là chủ đầu tư của Dự án Vân Canh. HUD sau đó giao lại cho các công ty con triển khai xây dựng. Chỉ có một vài thông tin chính thức về việc HUD giao phần này, phần kia của Dự án cho công ty con nào đó. Vì vậy, việc Oanh và Công ty O&H có được văn bản thông báo của HanHud 8, một cái tên na ná như công ty con của HUD đã khiến giới đầu tư tin tưởng.
Tuy nhiên, kết quả xác minh tại HUD cho thấy, HUD không có quan hệ giao dịch hay liên kết nào với Lê Thị Kim Oanh và HanHud 8. Trên thực tế, HUD được UBND tỉnh Hà Tây giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án này, nhưng một số lô đất thuộc ô liền kề 10, 15, 16 thuộc giai đoạn 2 của Dự án đang chờ quy hoạch trục không gian kết nối với huyện Ba Vì, nên HUD chưa triển khai kinh doanh.
Xác minh tại HanHud 8 cho thấy, công ty này không ký hợp đồng hợp tác đầu tư nào với HUD và Lê Thị Kim Oanh về Khu đô thị mới Vân Canh.
Chính việc công bố thông tin mờ mịt, phương thức bán không công khai minh bạch góp phần khiến các nhà đầu tư mất tiền oan.
Mất tiền vì bản vẽ… phô tô
Vẫn vì chuyện thông tin khó xác minh, khó tiếp cận với chủ đầu tư, nên nhiều nhà đầu tư đã mất tiền oan khi “giao trứng cho ác”.
Năm 2009, Trần Hồng Việt (SN 1976, tại Vĩnh Phúc) thành lập CTCP Hương Việt. Công ty này không có chức năng kinh doanh và môi giới bất động sản, nhà đất, nhưng Việt và Phó giám đốc Nguyễn Khắc Toản đã tự quảng cáo là đang tham gia triển khai Dự án Thanh Hà (do Cienco 5 Land làm chủ đầu tư), có khả năng giúp khách hàng ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư.
Việt còn mua các bản vẽ tổng thể Dự án Thanh Hà tại các cửa hàng phô tô, chỉnh sửa và đặt tại Công ty để tạo tin tưởng. Nhiều nhà đầu tư đã đến đặt tiền cho Việt để mua đất, nhưng đến hẹn, Việt, Toản cùng các đồng phạm khất lần việc giao đất với khách hàng hoặc chuyển họ sang mua nhà đất ở nơi khác nhằm kéo dài thời gian.
Khi bỏ tiền ra để mua sản phẩm nào đó, nhất là với mảnh đất, ngôi nhà, những tài sản giá trị, mọi người đều phải cân nhắc thông tin về dự án, chủ đầu tư, về nhà phân phối. Thế nhưng, trong một thị trường mà tính minh bạch chưa cao như thị trường bất động sản Việt Nam, các thông tin rỉ tai không cách nào kiểm chứng, nhà đầu tư chỉ có lựa chọn hoặc đứng ngoài cuộc và sợ mất cơ hội làm giàu, hoặc tin vào nguồn tin đó. Bởi vậy, tiền tỷ đội nón ra đi là điều dễ hiểu.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...