30/03/2021 5:10 PM
Tranh thủ trước cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư săn đất nền dự án “đặt cọc” lướt sóng mang về lợi nhuận khủng chỉ trong thời gian ngắn. “Liều ăn nhiều”, song nhà đầu tư cũng luôn chấp nhận phải đối diện rủi ro đến mất ăn mất ngủ.

Đầu tháng 3/2021 chị Trang và bạn thân rủ nhau đặt cọc “lướt sóng” 5 lô đất dự án ven khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đã gần một tháng trôi qua hai người vẫn chưa tìm được khách để “đẩy” hàng. Nếu sau một tháng “cọc” chị Trang không đẩy được hàng có nghĩa chị sẽ phải xuống tiền đóng theo tiến độ từ phía chủ đầu tư thông báo.

Chị Trang lo lắng vì 4 lô đất chuẩn bị đến thời hạn đóng tiền theo tiến độ

“Một mình tôi đặt cọc 4 lô đất, 50 triệu đồng/lô, tổng cộng là 200 triệu đồng. Những mong sẽ lướt được luôn, nhưng dự án đó còn khá nhiều hàng trong khi khách lại không quá nhiều. Hai tuần nay tôi thực sự mất ăn mất ngủ. Nếu sang đầu tuần vẫn chưa tháo được hàng, có nghĩa tôi phải đóng tiền theo tiến độ, nếu không tôi sẽ phải mất cọc.

Tiền mặt tôi không có nhiều, hơn nữa tôi không muốn chôn tiền quá lâu tại một nơi. Tôi thực sự chưa biết chọn phương án nào lúc này” – chị Trang than thở.

Thông thường, tại mỗi dự án khi chủ đầu tư thông báo thì nhà đầu tư sẽ bỏ phiếu thầu. Nhà đầu tư chỉ cần xuống tiền cọc khoảng 50 triệu/lô để giữ chỗ. Sau khi trúng thầu, nếu có nhiều khách hàng quan tâm, giao dịch diễn biến như dự tính, họ sẽ bán sang tay ngay sau đó với số tiền chênh từ 50 đến 100 triệu, thậm chí có lô đẹp chênh tới 200 triệu/lô. Tuy nhiên, “cuộc đời không như là mơ”, không phải lúc nào kiếm tiền cũng dễ như mình tính.

Cũng theo lời chị Trang, thời điểm đầu năm 2019 – khi thị trường BĐS Vân Đồn, Hạ Long sốt nóng cũng với hình thức đặt cọc lướt sóng chị đã nhẹ nhàng thu về gần 1 tỷ chỉ sau gần 3 tháng.

“Thời điểm đó, đất dự án hiếm và đắt như tôm tươi, để mua được sản phẩm, khách hàng có khi phải xếp hàng bốc thăm đặt cọc để mua. Giá đất sau đó tăng lên từng ngày, thanh khoản nhanh. Những người đầu tư “lướt sóng” giai đoạn này không cần bỏ quá nhiều vốn nhưng lợi nhuận thu lại rất nhanh nên đây là kênh đầu tư “kiếm tiền như nước”. Đúng là một vốn bốn lời!” – chị Trang kể.

Sau thị trường Quảng Ninh, chị Trang tiếp tục tìm thị trường mới ở các tỉnh khác, như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang,… để bỏ cọc.

Thực tế, trong những cơn sốt đất nền xảy ra khắp các tỉnh, thành trên cả nước vài năm trở lại đây, nhiều NĐT chỉ sau một đêm đã nắm trong tay hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nhờ mua đi bán lại các nền đất. Tuy nhiên, vẫn có không ít NĐT bị mắc kẹt, thậm chí thua lỗ do không ra được hàng bởi nếu dự án “hot” thì lướt nhanh, nếu dự án vướng thủ tục pháp lý hoặc ra hàng không đúng thời điểm sẽ khiến nhà đầu tư “mắc kẹt”, rủi ro không hề nhỏ.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên cẩn trọng với hình thức đầu cơ cọc tiền lướt sóng

Câu chuyện “lướt cọc” như chị Trang, không phải là hiếm khi thị trường bất động sản nóng sốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ “máu liều” và suôn sẻ theo sự tính toán trước. Đặc biệt, khi thị trường biến động nhanh thì rất khó trở tay.

Theo các chuyên gia BĐS, trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS hồi phục và nóng lên khiến các NĐT dễ dàng "lướt sóng" khi đụng đâu cũng có lời. Họ mua bán nhanh chốt lời nhanh, thậm chí tỷ suất sinh lời cao, gấp 1,5 - 2 lần. Tuy nhiên, khi thị trường quá nóng sốt, có nhiều giao dịch ảo như hiện nay thì việc cọc tiền, lướt sóng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, thị trường đất nền ở nhiều địa phương có hiện tượng tăng giá mạnh. Ngoài nguyên nhân đầu tư phát triển hạ tầng tại một số đô thị, dự án cụ thể thì cũng có một số hiện tượng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để "thổi giá".

Nói về tình trạng này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Thị trường sốt đất về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm cò mồi, còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản”.

Ở góc độ nào đó, những NĐT "lướt sóng" cũng chính là một trong những nguyên nhân chính yếu làm khuấy đảo thị trường, gây nên các cơn sốt đất.

“Với những cảnh thị trường náo loạn, lộn xộn, sốt ảo, giá tăng dựng đứng như hiện nay, người mua đất nên tránh xa. Còn ai nhiều tiền, chấp nhận rủi ro, được ăn cả ngã về không thì cứ vào cuộc” – ông Võ nói thêm.

Quỳnh Chi (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.