28/06/2017 4:15 PM
Dự án (D.A) Khu Công nghiệp (KCN) Thanh Bình (huyện Chợ Mới) được đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Sau gần 10 năm hoạt động trong tình trạng đất bỏ hoang với các D.A dở dang, những doanh nghiệp thực hiện D.A này đang trở thành những “con nợ”.
Khu đất hoang hóa của Công ty TNHH Vạn Lợi. Ảnh: Trung Hà
Từ năm 2007, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập KCN, với kỳ vọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng KCN Thanh Bình trên địa bàn huyện Chợ Mới. Sau nhiều lần điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, KCN Thanh Bình được xây dựng trên quy mô diện tích hơn 62.1ha và bắt đầu thu hút doanh nghiệp đầu tư từ năm 2009.
Đây là KCN duy nhất của tỉnh Bắc Kạn do Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý, với gần 30 công chức, viên chức và người lao động. Kinh phí hoạt động hàng năm là trên 2 tỷ đồng được cấp từ nguồn ngân sách.
Đến nay, KCN Thanh Bình có 6 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 3 doanh nghiệp lớn được cấp hơn 40ha đất, chiếm gần như toàn bộ diện tích đất công nghiệp cho thuê, gồm: Công ty TNHH Vạn Lợi (nay chuyển sang Công ty Cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn), Công ty Cổ phần Sahabak, Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim).
Sau gần 10 năm hoạt động, trong 3 “ông lớn” thực hiện D.A tại KCN Thanh Bình, thì 2 doanh nghiệp đã không thể thực hiện được D.A đầu tư theo tiến độ đề ra, 1 doanh nghiệp dừng hoạt động hơn 1 năm nay.
Công ty Cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn (tiền thân là Công ty TNHH Vạn Lợi) được cấp phép đầu tư D.A xây dựng khu liên hợp gang thép, công suất 250 nghìn tấn/năm với diện tích 9,589ha và D.A xây dựng nhà máy nung tuyển quặng sắt, công suất 600 nghìn tấn/năm trên diện tích hơn 17,7ha. Sau nhiều lần thay đổi, điều chỉnh nhưng không thể thực hiện, ngày 22/6/2015 Ban Quản lý các KCN đã ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư cả hai D.A này. Tháng 1/2016, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản thu hồi 9,589ha và ngày 21/6/2017 tiếp tục ban hành văn bản thu hồi nốt 17,7ha đất đã cấp cho Công ty Cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn. Hiện doanh nghiệp này còn nợ tiền sử dụng dịch vụ công ích là hơn 11 tỷ đồng và tiền thuê đất là hơn 4 tỷ đồng.
Khu đất được Công ty Cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn cho thuê lại với giá hàng trăm triệu đồng. Ảnh: TN
Ban Quản lý KCN Thanh Bình cho biết: Trên diện tích đất được cấp Công ty Cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn đang cho Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển nền móng Hồ Bắc (doanh nghiệp ở Thái Nguyên) thuê lại một phần với giá khoảng 300 triệu đồng/năm.
Khu đất xây dựng Nhà máy Sản xuất MDF SAHABAK bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: TN
Công ty SAHABAK được giao tổng diện tích 7,3ha, trong đó 4,882ha thực hiện D.A đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất MDF SAHABAK (tháng 8/2016 chính thức chấm dứt D.A này và đang được kiến nghị thu hồi), 2,5ha để xây dựng Nhà máy Chế biến gỗ ghép thanh và các nhà xưởng phụ trợ (đến thời điểm này nhà máy đã dừng hoạt động). Hiện doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng dịch vụ công ích là hơn 2,5 tỷ đồng và tiền thuê đất là hơn 260 đồng, tiền bảo hiểm xã hội 1,6 tỷ đồng.
Như vậy, với chỉ 2 công ty đầu tư không hiệu quả thì KCN Thanh Bình đã có đến hơn 30ha đất bị bỏ hoang trong một thời gian dài, đã và đang gây lãng phí tài nguyên và làm thất thu lớn cho ngân sách địa phương.
Ngày 14/6/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt D.A xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn II theo Quyết định số 1061/QĐ-TTg. D.A do Công ty Phát triển hạ tầng KCN tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư quy mô 80ha với tổng số vốn hơn 390 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 170 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 95 tỷ đồng và nguồn vốn khác 125 tỷ đồng.
Chủ đề: Bỏ hoang
Trung Hà (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.