Theo Reuters, Zhu, sống tại Trác Châu, một thành phố nhỏ nằm ở phía bắc Trung Quốc, quyết định dừng thanh toán nốt số tiền còn lại cho căn hộ của mình.
Trước đó, nhà phát triển dự án này đã hứa với khách hàng sẽ xây dựng tuyến đường sắt tới Bắc Kinh để phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch vẫn chưa được thực hiện.
Ngoài Zhu, có tới 1.000 khách hàng khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Chủ đầu tư đều bỏ ngỏ mọi hứa hẹn khi tiến độ bàn giao các dự án gần như bằng không.
“Chúng tôi không làm gì sai, tại sao phải gánh chịu hậu quả?”, Zhu bức xúc. “Tôi chăm chỉ làm việc với hy vọng mua được nhà thành phố. Giờ thì về quê với hai tay trắng”, Zhu than thở.
Dự án chung cư tại thành phố Trác Châu (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) của China Fortune Land Development. Ảnh: Reuters.
Mất tiền, nhà cũng chẳng có
Li - chủ một doanh nghiệp nhỏ tại thành phố Đại Lý (phía tây nam Trung Quốc) - gần như tuyệt vọng khi vẫn chưa được chuyển đến căn hộ mà theo hồ sơ dự án là được bàn giao từ hơn 2 năm trước.
“Người ta hoãn bàn giao tới tận 4 lần trong năm 2018. Đến giờ thì tôi xem như chẳng tin được gì ở họ nữa”, Li phàn nàn.
“Họ bảo chưa thể bàn giao vì thiếu tiền trả cho các cổ đông”, Li nói. Hiện gia đình Li đang thuê chung với bố mẹ tại một căn hộ nhỏ.
Tập đoàn Đầu tư & Phát triển Dali Haidong - công ty đứng sau dự án chung cư ở thành phố Đại Lý, từ chối bình luận. China Fortune Land Development - nhà phát triển dự án ở thành phố Trác Châu - từng gây xôn xao dư luận với khoản nợ 5,7 tỷ USD - cũng không đưa ra phản hồi về vụ việc này.
Cảnh hoang vắng tại dự án chung cư do China Fortune Land Development phát triển. Ảnh: Reuters.
Dành dụm tiền để mua nhà thành phố, Zhu, Li cũng như nhiều khách hàng khác lại phải đối mặt với khả năng mất trắng trong bối cảnh nhiều vụ vỡ nợ liên tiếp nổ ra tại các công ty bất động sản Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia, khoản vỡ nợ trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản nước này tăng gấp 4 lần trong năm 2020 lên 4,1 tỷ USD.
Đầu năm nay, dư luận Trung Quốc xôn xao trước vụ vỡ nợ trái phiếu lên tới 8,7 tỷ NDT của công ty bất động sản China Fortune Land.
Trong khi đó, tập đoàn China Evergrande Group được truyền thông quốc tế gọi bằng cái tên "chúa chổm nợ nhiều nhất thế giới”. Một nguồn tin tiết lộ Evergrande nợ khoảng 171 ngân hàng trong nước và 121 tổ chức tài chính khác, tổng nợ lên tới 129 tỷ USD.
Thế khó của các đại gia bất động sản
Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát các khoản vay đối với ngành bất động sản nhằm hạn chế tình trạng dư cung.
Do đó, ngành công nghiệp nhà đất buộc hướng tới các biện pháp tài chính khác như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu để có đủ vốn xây dựng mới và mua thêm đất.
Năm 2017, chính quyền Trung Quốc tiếp tục ban hành chính sách để kiềm chế giá nhà tăng vọt. Doanh thu bán nhà của các chủ đầu tư càng bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng hoàn nợ và cam kết trả lãi trái phiếu.
Đến đầu năm nay, khó khăn ngày càng chồng chất khi Bắc Kinh thiết lập chính sách “ba lằn ranh đỏ” đối với hoạt động cho vay và tái cấp vốn.
Chính sách "ba lằn ranh đỏ" đẩy các đại gia bất động sản vào nguy cơ vỡ nợ. Ảnh: Reuters.
“Một số công ty bất động sản có đòn bẩy tài chính cao và vòng quay vốn kém đang đối mặt với áp lực trả nợ tương đối lớn”, nhóm chuyên gia kinh tế đến từ Viện Nghiên cứu Đầu tư Zhixin có trụ sở tại Bắc Kinh, bình luận.
Theo các chuyên gia, sự thắt chặt về quy chế tài chính của Bắc Kinh có thể gây ra tình trạng “vỡ nợ chéo” giữa các nhà phát triển bất động sản, quỹ tín thác và tổ chức bên thứ ba.
“Ba lằn ranh đỏ" được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra bao gồm tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản ứng trước) tối đa 70%, trong khi tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu tối đa 100%, tỷ số thanh toán tiền mặt (tiền mặt trên nợ ngắn hạn) 1.
Nếu vượt cả ba lằn ranh đỏ, các tập đoàn bất động sản sẽ không được phép vay thêm tiền từ ngân hàng.
Tính tới cuối năm 2020, đã có 7 tập đoàn nhà đất Trung Quốc bị đánh dấu đỏ, chiếm hơn 20% trong số 30 công ty địa ốc lớn nhất được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hong Kong.
-
Cảnh báo của chính phủ Trung Quốc về đầu cơ bất động sản không hiệu quả?
CafeLand - Bạn sẽ thực hiện những khoản đầu tư nào trong năm 2021? Đối với người dân ở các thành phố Trung Quốc, câu trả lời của họ là "mua một căn hộ".
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.