Nhiều hộ dân sống trên dự án
Dân sống khổ trên đất quy hoạch “treo”
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai trước Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội của Tổ đại biểu HĐND TP hồi tháng 11/2020, bà Nguyễn Thị Lan, Tổ dân phố 50, phường Vĩnh Hưng nêu, hàng trăm hộ dân thuộc hai Tổ dân phố 30, 50 phường Vĩnh Hưng trong hơn một thập kỷ qua phải sống khổ trên đất dự án “treo” khu nhà ở Ao Mơ đã được phê duyệt từ năm 2008. Người dân không được xây dựng, nâng cấp nhà ở trong khi đó toàn bộ ao hồ tại khu vực này cũng đã giao cho dự án nhưng không thực hiện, dẫn đến ngập úng mỗi khi mưa xuống.
Trường hợp người dân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc tương tự như dự án Khu nhà ở Ao Mơ không phải là hiếm trên địa bàn Hà Nội. Trong báo cáo tổng hợp của UBND TP Hà Nội gửi các cử tri cho thấy, hiện có tới gần 400 dự án bị “treo” nhiều năm khiến người dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được mua bán sang nhượng, không được cấp phép xây dựng, không được sửa chữa, xây mới, mà phải chấp nhận cuộc sống chất lượng thấp.
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, về tình trạng quy hoạch treo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã thừa nhận: Quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc làm, sinh kế và cải tạo nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, không lập đầy đủ quy hoạch liên quan, nhất là hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Đồng thời thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, không xác định chi tiết nguồn lực đầu tư, việc tổ chức thực hiện quy hoạch sau công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định, nhất là công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, không kịp thời rà soát, năng lực chủ đầu tư yếu kém…
Sớm có hướng dẫn cụ thể
Để người dân được trả lại các quyền và lợi ích hợp pháp, ngày 17/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật số 62/2020/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 (viết tắt là Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 cho phép người dân được quyền xây dựng nhà mới nếu phần đất thuộc diện quy hoạch “treo” trên 3 năm.
Cụ thể, tại mục 5 (khoản 33, điều 1) về “Điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm thời” quy định trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố, thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai...
Theo luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), quy định này đã giải quyết được những mâu thuẫn vốn đang tồn tại giữa người dân, Nhà nước với nhà đầu tư và giải tỏa được quyền của người dân về xây dựng, mua bán, sang nhượng. Đồng thời hạn chế được tình trạng dự án “treo”, đồ án quy hoạch “treo” tràn lan hiện nay. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, khi ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cần quy định rõ trách nhiệm của từng cấp sở, ngành, quận, huyện và làm sao phải hài hòa được quyền lợi người dân, lợi ích xã hội cũng như lợi ích của nhà đầu tư.
Dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy hoạch là tầm nhìn xa, dài hạn, nhiều đồ án không thể thực hiện trong một sớm, một chiều vì nguồn lực. Do đó, quy định cấp phép xây dựng có thời hạn cho những công trình tại khu vực đã có quy hoạch nhưng chưa có dự án và kế hoạch GPMB vừa tăng cường được quản lý trật tự xây dựng, đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất. Thời gian tới, để cụ thể hóa quy định của luật, cần xây dựng quy chuẩn về loại công trình được xây dựng tạm, sau đó tuyên truyền và có hướng dẫn cụ thể, tránh lãng phí cho dân, đồng thời tránh được những căng thẳng cho cơ quan quản lý Nhà nước khi tiến hành GPMB thu hồi đất thực hiện dự án.
Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý về phản ánh có tới 300 dự án "treo", bỏ hoang ở nhiều quận, huyện của TP Hà Nội khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất. Thực hiện chỉ đạo này, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp mạnh tay đối với các dự án "ôm" đất nhưng không triển khai. |
-
Từ năm 2021, đất thuộc diện ‘quy hoạch treo’ vẫn có thể xây nhà mới
CafeLand - Sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất… thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định.