Trên địa bàn TP.HCM hiện có 302 dự án quá thời hạn 3 năm kể từ khi được phê duyệt nhưng chưa thể thu hồi đất. Những dự án “treo” này gây nhiều hệ luỵ, lãng phí đất đai và treo luôn cả quyền lợi chính đáng của hàng hàng hộ dân.

Hơn 300 dự án “rùa bò”

Báo cáo tại buổi làm việc mới đây với Ban Đô thị HĐND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết, từ năm 2016 đến nay, HĐND TP đã thông qua 11 nghị quyết cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án.

Tuy nhiên, hiện có 402 dự án đã hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang triển khai (chiếm 51%), còn lại 302 dự án đã quá thời hạn 3 năm mà chưa thực hiện thu hồi đất.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, những nguyên nhân chính khiến hơn 300 dự án này bị “treo” do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để bồi thường và thực hiện dự án; khó khăn trong công tác bồi thường, giá đền bù…

Hơn 300 dự án "treo" ở TP.HCM

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị này hiện đang tiếp tục rà soát để huỷ các dự án quá 3 năm chưa triển khai. Trước đó, trong năm 2020 đã có 61 dự án được thông qua đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

Theo ông Thắng, việc các dự án được quy hoạch nhưng chậm triển khai ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhiều hộ dân. Kể cả những dự án khi được bỏ ra khỏi kế hoạch sử dụng đất mà chính quyền chưa điều chỉnh quy hoạch, thì quyền lợi về nhà đất của người dân trong khu vực vẫn chưa được thực hiện.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các quận, huyện, TP. Thủ Đức rà soát những dự án chậm tiến độ, khó khăn vướng mắc để kịp thời báo cáo UBND thành phố. Đồng thời, với những dự án được huỷ bỏ cần có lộ trình điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo quyền lợi về đất đai, xây dựng của người dân.

Những dự án “treo” hàng chục năm

Là bán đảo có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, từ năm 1992, khu vực Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã được phê duyệt để làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái tầm cỡ. Tuy nhiên, đã 30 năm qua, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Mang tiếng sống ở trung tâm thành phố, nhưng người dân ở đây vẫn trồng lúa, nuôi heo, chăn gà vịt đúng chất nông dân. Nhà cửa phần lớn đều lụp xụp, xuống cấp, nhiều căn chỉ quây tôn và lợp mái lá đơn sơ. Những con đường nhỏ quanh co, nhưng mặt đường hư hỏng.

Những ngôi nhà tạm bợ của người dân trong khu vực quy hoạch dự án Bình Quới - Thanh Đa

Được biết, dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa trước đây được giao cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Theo đồ án quy hoạch 1/2000 của Bitexco được phê duyệt năm 2015 dự án này có quy mô là 450 ha, dân số 45.000 người.

Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Theo đó, liên danh sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội-kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, năm 2017 nhà đầu tư đến từ Dubai bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi dự án này. Từ đó đến nay, Bình Quới – Thanh Đa tiếp tục cảnh “làng quê” giữa lòng thành phố.

Trong khi đó, nhiều người dân tại quận Bình Tân cũng đang sốt ruột với tiến độ ì ạch của dự án khu dân cư Vĩnh Lộc có quy mô 110 ha trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.

Được biết, dự án này được phê duyệt từ năm 1999, từng được kỳ vọng là động lực phát triển của địa phương tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Tại TP. Thủ Đức, dự án công viên Tam Phú có quy mô 126ha được phê duyệt quy hoạch từ năm 2008 nhưng đến nay hình hài của công viên này vẫn đang nằm trên giấy. Trong khi đó, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng nhà cửa, giấy tờ đất đai.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.