Đã ba tuần từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng phần lớn ngân hàng thương mại vẫn còn im ắng, ngoại trừ một số ngân hàng lớn công bố kế hoạch thực hiện.

BIDV đã thông qua kế hoạch “an sinh xã hội” trong 3 năm 2011 - 2013 với tổng giá trị 700 tỷ đồng

Ngày 15/3 vừa qua, Chính phủ đã nghe báo cáo tình hình triển khai Nghị Quyết 11/NQ-CP ban hành ngày 24/2/2011. Đối với ngành ngân hàng, ngoài những thông điệp được gửi đi từ Ngân hàng Nhà nước như Chỉ thị 01/CT-NHNN thì mới có hai ngân hàng lớn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) tích cực tham gia.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, phải có nguồn vốn thì mới đáp ứng yêu cầu phục vụ tín dụng cho các đối tượng mà Chính phủ rất quan tâm hiện nay. Vì thế, ngân hàng này đặt ra chỉ tiêu: huy động vốn tăng 23% (số tuyệt đối tăng thêm khoảng 61.500 tỷ đồng), trong đó, tăng trưởng huy động vốn VND là 25%, ngoại tệ là 8%.

Đối với tín dụng, mức tăng trưởng tín dụng không quá 19%, doanh số cho vay phát sinh trong kỳ khoảng 540 nghìn tỷ đồng; điều hành chính sách tín dụng theo nguyên tắc: tín dụng đi liền với huy động, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

Đối tượng vay vốn được tập trung cho sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án trọng điểm nhà nước, các dự án của các doanh nghiệp tạo lập cân đối vĩ mô với tỷ trọng từ 85% - 87%/tổng dư nợ; tín dụng phi sản xuất: bất động sản (kể cả công trình hạ tầng) dưới 9%/tổng dư nợ, chứng khoán chỉ 0,5%/tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 5%/tổng dư nợ, gấp gần 2 lần 2010, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tương đương 165 nghìn - 170 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với 2010, tương ứng 20%/tổng dư nợ.

Đối với cho vay ngoại tệ, BIDV dự kiến chỉ cho vay 20%/tổng dư nợ để dành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu và doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, ngay từ đầu năm, khi nhận được tín hiệu phát đi từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo hướng này.

Trước hết, yêu cầu đầu tiên là tập trung huy động vốn thông qua nhiều sản phẩm cạnh tranh để thu hút nguồn vốn trong nước; đồng thời hoàn thiện các thủ tục để tăng vốn điều lệ từ các cổ đông nước ngoài. Ngày 10/3 vừa qua, AFC đã chuyển xong toàn bộ số tiền mua cổ phần, đưa vốn điều lệ của VietinBank lên 16.858 tỷ đồng, tăng 11,1% so với mức công bố cách đây hơn 4 tháng.

Tiếp đó, VietinBank cho biết đang gấp rút hoàn thành hồ sơ đề xuất Chính phủ và Bộ Tài chính phát hành trái phiếu quốc tế trị giá từ 500 triệu - 1 tỷ USD. “Chúng tôi hiện đang có nhiều dự án trọng điểm cấp quốc gia như lọc hóa dầu, thủy điện, bưu chính viễn thông, dự án hạ tầng nếu không huy động vốn ngoại, sẽ rất khó đáp ứng”, ông Thọ nói.

Ngoài ra, trong kế hoạch tín dụng, VietinBank cũng cơ cấu lại danh mục cho vay phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như: cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, giảm nghèo… Tỷ trọng các chương trình này chiếm khoảng 40% - 50%/tổng dư nợ trên tổng dư nợ hàng năm khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, với tín dụng phi sản xuất, VietinBank chỉ cho phép chiếm 8% - 9%/tổng dư nợ so với mức 16% mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Cũng theo ông Thọ, mặc dù trong hệ thống ngân hàng đã có Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay nông thôn và hộ nghèo, nhưng ngân hàng này vẫn dành một tỷ trọng tín dụng thích hợp cho vay hộ nghèo và kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Còn đối với BIDV, ngay từ đầu 2011, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch “an sinh xã hội” trong 3 năm 2011 - 2013 với tổng giá trị 700 tỷ đồng (đã bao gồm 186 tỷ đồng chuyển tiếp từ kế hoạch an sinh trước đây).

Trong khi các ngân hàng lớn công bố các kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 và một vài ngân hàng khác như LienVietBank khá tích cực triển khai hoạt động an sinh xã hội thì phần lớn ngân hàng thương mại cổ phần khác chưa thấy động tĩnh gì. Ngoại trừ hai chỉ tiêu khiến họ lo lắng nhất hiện nay là mất khoảng 3% chỉ tiêu tín dụng để kiểm chế lạm phát và tỷ trọng tín dụng phi sản xuất bị thu hẹp dưới 16% nhằm tập trung vốn cho sản xuất hàng hóa.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland