Chỉ ra nhiều vi phạm trong hoạt động đấu giá đất, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất gây chú ý dư luận vừa qua, xác minh làm rõ để răn đe những hành vi vi phạm.

Sáng 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu về những góc khuất, những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Quochoi.vn

Bà Thủy chỉ ra 4 vấn đề liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Thứ nhất, tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao. Theo đại biểu Thủy, việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất. Vừa qua, không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này thắng với mức đấu giá cao, sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy.

Dẫn chứng vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, bà Thủy cho biết ngay sau cuộc đấu giá đất nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng đấu giá (thực chất là giá ảo) để té nước theo mưa, đẩy giá đất, giá nhà tại TP.HCM lên cao để kịp thời bán ra nhà, đất họ đã mua gom trước đó. Có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu trái phiếu.

Nguy hiểm hơn là có những người còn lợi dụng để đánh võng giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng, nếu trót lọt thì có thể “rút ruột” ngân hàng.

“Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời”, đại biểu Thủy phát biểu.

Thứ hai, tình trạng quân xanh, quân đỏ, thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất gây ra những thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước. Việc bắt tay nhau dìm giá diễn ra ở nhiều phiên đấu giá, việc thông đồng này nhằm lót đường cho nhà đầu tư đã định sẵn trúng với giá rẻ.

“Giá trị thực của nhiều lô đất đã bị “quân xanh, quân đỏ” dìm xuống. Ngoài ra, trên thực tế, việc dìm giá còn có hình thức sử dụng xã hội đen để đe dọa những người tham gia đấu giá, khiến họ sợ hãi bỏ cuộc, rút hồ sơ”, bà Thủy nêu.

Hệ quả, cuộc đấu giá chỉ còn một người tham gia "một mình một chợ", những người khác là "quân xanh", giá đất như thế nào do đối tượng này thao túng và thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Thứ ba, tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước. Theo phản ánh của giới kinh doanh bất động sản, không thể tác động vào cuộc đấu giá nếu không có “tay trong”, ở mức độ vi phạm đơn giản thì cũng cần có “tay trong” cung cấp thông tin để tổ chức quây thầu, vây thầu trúng với giá rẻ. Còn ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, đó là sự cấu kết của những cơ quan có thẩm quyền, tạo thành nhóm lợi ích “rút ruột” Nhà nước trong các phiên đấu giá.

Đại biểu Thủy lấy ví dụ về một vụ án đấu giá đất mới đây ở Hà Nội, các đối tượng đã bắt tay với người có trách nhiệm, điều chỉnh giá từ 500 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Nếu phi vụ này trót lọt thì Nhà nước sẽ mất gần nửa tiền. Trong vụ án này, có 8 bị can bị khởi tố, trong đó có 2 bị can là cán bộ ban quản lý dự án.

“Dư luận băn khoăn liệu rằng còn nhiều phi vụ nào chưa được phát hiện hay không?”, bà Thủy đặt vấn đề.

Thứ tư là tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá, đây là khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên, pháp luật đã trao chức năng quá lớn cho đơn vị thẩm định giá nhưng cơ sở kiểm soát lỏng lẻo, dẫn đến nhiều sai phạm trong thẩm định giá vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm tội phạm trong hoạt động này.

Chủ đề: Đấu giá đất,
Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.