11/11/2024 1:37 PM
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đang diễn ra. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi xoay quanh quản lý thị trường vàng, tăng trưởng tín dụng.

Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ xử lý như nào tình trạng “chạy xô” tăng trưởng của một số tổ chức tín dụng. Đồng thời cho biết có giải pháp như nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Minh, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện hai chức năng là điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, nhưng có một chức năng nữa đó là quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ ngân hàng.

Vì vậy, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết.

Bởi vì nếu hệ thống các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro, có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế, bởi tác động lan truyền của nó. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào diễn biến thực tế và trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định phải sử dụng công cụ là room tín dụng để hạn mức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên đã có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%; có những năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến hệ lụy và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành; khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên giám sát và cảnh báo những tổ chức tín dụng tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro.

“Cũng có thể có trường hợp tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng cao và quản trị rủi ro thấp. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng thấp và nhưng tiềm ẩn rủi ro cao do phụ thuộc vào cân đối kỳ hạn huy động vốn và tín dụng cấp ngắn - dài hạn hay cấp vào lĩnh vực rủi ro”, bà Hồng đánh giá.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, Thống đốc khẳng định, trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước không cấm các tổ chức tín dụng cho vay với lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vì có thể doanh nghiệp bất động sản vẫn có khả năng trả được. Nhưng tổ chức tín dụng không cho vay vì họ huy động vốn ngắn hạn, trong khi cho vay các dự án cần nguồn vốn lớn và dài hạn nên các tổ chức tín dụng khó cho vay.

Về mặt quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước có chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn và hiện, quy định là không được vượt quá 30%.

Nợ xấu tăng cao

Đặt vấn đề chất vấn liên quan đến nợ xấu, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá tính hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này? “Nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận). Ảnh: Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hồng Nguyên về vấn đề nợ xấu tăng cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%- gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022.

Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.

Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.

Đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.

Hệ quả nợ xấu tăng, theo Thống đốc, các nhà băng có giảm thêm lãi suất cho vay khi họ vẫn phải trả lãi tiền gửi khi huy động từ người dân, trong khi đầu ra khách hàng lại không trả được nợ.

Tuy nhiên, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp để hạ lãi suất cho vay, yêu cầu các nhà băng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, các ngân hàng đã miễn, giảm 50.000-60.000 tỷ đồng lãi suất, nhằm hỗ trợ khách hàng.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.