12/12/2020 9:25 PM
Ngày 12-12, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai một số dự án lát đá vỉa hè do UBND các quận làm chủ đầu tư (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, Tây Hồ...).

Qua kiểm tra chất lượng thi công các dự án lát hè (21 tuyến phố) được thực hiện từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Xây dựng đánh giá, về cơ bản, chủ đầu tư, các đơn vị thi công tuân thủ thiết kế được duyệt và các quy định về quản lý chất lượng công trình, vệ sinh môi trường.


Kiểm tra chất lượng công tác thi công lát đá vỉa hè tại phố Huỳnh Thúc Kháng.

Tuy nhiên, tại một số dự án, việc vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị còn chưa được bảo đảm: Thi công dàn trải, không dứt điểm theo từng phân đoạn, từng tuyến phố; tập kết vật tư, thiết bị chiếm dụng lòng đường, vỉa hè; thi công gây bụi bẩn...

Về tình trạng một số tuyến phố, như tuyến Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) lát đá tự nhiên, tuyến Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) lát gạch giả đá mặt hè, phố bị hư hỏng, ông Nguyễn Quang Huy cho hay, đây là những tuyến phố được lát gạch, đá từ trước năm 2018, theo thiết kế mẫu hè phố đô thị ban hành theo Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20-8-2014.

Ngày 21-3-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND thay thế Quyết định 4340/QĐ-UBND, trong đó, rút kinh nghiệm quá trình triển khai lát vỉa hè trước đây, kỹ thuật thi công lát hè cũng như chất lượng vật liệu đã được chấn chỉnh, hướng dẫn cụ thể; nhất là về độ cứng vạch bề mặt, độ chịu mài mòn, cường độ nén uốn của loại đá hoa.

Mới nhất, theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Sở vừa ban hành văn bản đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đúng hướng dẫn tại Quyết định số 1303/QĐ-UBND, tổ chức rà soát, lựa chọn chủng loại vật tư, vật liệu lát hè phù hợp cho từng tuyến phố.

Đối với các dự án sử dụng vật liệu đá lát vỉa hè, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu lựa chọn sử dụng nhóm đá có độ bền uốn cao hoặc tăng chiều dày tấm đá lát, quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ mời thầu, tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các loại đá lát...

Về chất lượng và tiến độ thi công lát hè, các địa phương nghiên cứu, thực hiện các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Sở Xây dựng, trong đó lưu ý thực hiện nghiệm thu 3 bước thi công (bước thi công mặt nền hè, bước đổ bê tông lót, bước thi công lát đá).


Lát đá vỉa hè tại phố Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, căn cứ các quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, trách nhiệm quản lý từ khâu thiết kế, phê duyệt thiết kế, thi công, giám sát và nghiệm thu đưa công trình cải tạo vỉa hè vào sử dụng là thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện.

Do đó, đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban quản lý dự án, đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, phòng quản lý đô thị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công lát hè, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý theo phân cấp trên địa bàn. Đặc biệt, phát huy vai trò của UBND cấp xã, tổ dân phố trong việc giám sát cộng đồng và bảo đảm chất lượng sử dụng sau lát hè; thi công dứt điểm cho từng tuyến phố bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị phục vụ nhân dân trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2021.

Về công tác quản lý sử dụng, bảo trì hè đường sau đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã cần kiểm tra, rà soát, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa kịp thời, bảo trì hè hư hỏng, xuống cấp; chỉ đạo UBND các phường, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mặt hè bảo đảm đúng công năng và thiết kế; nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng (đỗ xe) gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.

Dạ Khánh (Hànộimới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.