22/05/2023 10:54 AM
Giá thép xây dựng trong nước vừa được điều chỉnh giảm lần thứ 6 liên tiếp, về dưới mốc 15 triệu đồng/tấn. Song, đà giảm chưa dừng lại và có thể tiếp tục dò đáy trong vài tháng tới.

Mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất thép tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán tại thị trường nội địa với mức giảm 60.000-210.000 đồng/tấn, đưa giá thép về dưới 15 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng giá thép xây dựng sẽ tiếp tục dò đáy trong vài tháng tới

Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát thông báo giảm 200.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam xuống lần lượt 15,09 triệu đồng/tấn; 14,95 triệu đồng/tấn và 15,25 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước đó, ở mức 14,9 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 200.000 đồng/tấn với dòng thép vằn thanh D10 CB300 còn 15 triệu đồng/tấn. Thép cuộn CB240 không điều chỉnh, hiện đang ở mức 14,62 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Đức, dòng thép vằn thanh D10 CB300 hiện có giá 15 triệu đồng/tấn sau khi điều chỉnh giảm 150.000 đồng/tấn. Trong khi đó, thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên giá bán 14,64 triệu đồng/tấn.

Trong đợt điều chỉnh này, Pomina là thương hiệu có mức điều chỉnh giá bán lớn nhất khi giảm 720.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 và giảm 610.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 tại thị trường miền Nam. Sau điều chỉnh, giá bán của 2 loại thép này lần lượt ở mức 15,5 triệu đồng/tấn và 15,3 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, nhà sản xuất thép này cũng điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống còn 15,3 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 60.000 đồng/tấn, còn 15,5 triệu đồng/tấn.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước ghi nhận 6 lần giảm liên tiếp, với mức giảm hơn 2 triệu đồng/tấn.

Giá thép sẽ tiếp tục dò đáy trong thời gian tới?

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 4 đạt hơn 711.000 tấn, giảm 22% so với tháng trước và giảm 37% so với tháng cùng kỳ năm 2022.

Bán hàng thép xây dựng đạt 736.000 tấn, giảm 17% so với tháng trước và giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 95.100 tấn, chỉ giảm 45,5% so với tháng 4/2022.

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản xuất và bán hàng thép xây dựng đạt lần lượt gần 3,5 triệu tấn và 3,4 triệu tấn, cùng giảm 26% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 517.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022

VSA nhận định nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.

Theo VSA, giá thép xây dựng trong nước liên tục giảm trong thời gian gần đây là do nhu cầu tiêu thụ suy yếu và chi phí nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt.

Riêng trong tháng 4/2023, các doanh nghiệp thép trong nước đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 3 lần, tần suất giảm 1 lần/tuần nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu. Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp xây dựng khó khăn, hoạt động bị đình trệ khi giá một số loại vật liệu xây dựng tăng cao… cũng dẫn đến nhu cầu thép ở mức thấp.

Hiện nay, bên cạnh việc việc giảm giá thép, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện bảo lãnh giá cho hàng đã bán ra một tuần trước đó và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Điều này cho thấy xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.