Theo đó, chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ căn cứ ý kiến của giới tư vấn và chuyên môn để có chủ trương quy hoạch tổng thể 2 bờ sông Hàn. Dự án bến du thuyền phía Tây sông Hàn, cũng nằm trong hoạch định tổng thể này, nên không thể gấp rút tiến hành ngay.
Các hạng mục của bến du thuyền bờ đông sông Hàn triển khai thuận lợi trong khi bờ tây lại dừng thi công
“Nếu trong quy hoạch chung, dự án này không thuận tiện bố trí nữa, chính quyền sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm kiếm vị trí khác để triển khai dự án ở góc độ đầu tư mới. Những tổn thất trong tiến trình đầu tư, sẽ được xem xét tạo điều kiện khắc phục. Còn nếu quy hoạch cho thấy vị trí dự án là chấp nhận được, thì thành phố không có lý do gì không giúp cho nhà đầu tư tiến hành”. Ông Trần Thọ nhấn mạnh như vậy.
Có sự bất công?
Theo Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, vào ngày 09/7/2015 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố đã ban hành công văn số 5285 đến công ty TNHH I.V.C, chủ đầu tư dự án nhà hàng – bến du thuyền ở bờ Tây sông Hàn yêu cầu tạm dừng thi công công trình này.
Công văn cho biết địa phương đang phối hợp đơn vị tư vấn là công ty JiNa Architects.co. Ltd (Hàn Quốc) quy hoạch lại cảnh quan hai bờ sông Hàn và rà soát các công trình liên quan. Do công trình bến du thuyền phía Tây sông Hàn nằm trong phạm vi nghiên cứu, nên việc thi công phải đình lại.
Chính quyền Tp.Đà Nẵng đang phải rà soát quy hoạch lại 2 bờ sông Hàn
Quyết định kể trên đã lập tức gây phản ảnh bất thuận của chủ đầu tư dự án.
Thứ nhất, dự án bến du thuyền phía Tây sông Hàn đã được chính quyền Đà Nẵng đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2008. Nhưng do vị trí đặc biệt, các lãnh đạo địa phương, nhất là ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy lúc ấy, đã thận trọng yêu cầu nhà đầu tư hết sức chú ý chỉnh lý các tiêu chuẩn xây dựng, cao trình, phạm vi dự án... Sau nhiều lần cải sửa, đến tận ngày 21/11/2014, công ty I.V.C. mới được Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp giấy phép xây dựng số 1938 để triển khai thi công. Thời hạn xúc tiến dự án như vậy là quá lâu, vậy mà vừa chuẩn bị tiến hành lại phải dừng, rõ ràng nhà đầu tư phải bức xúc lên tiếng.
Thứ hai, song song với dự án này, chính quyền Đà Nẵng cũng đồng ý cho triển khai dự án bến du thuyền bờ Đông sông Hàn, do công ty DHC đầu tư. Dự án này lại triển khai thuận lợi, không phải xử lý lại nhiều và đến nay cũng không phải dừng thi công. Ông Phan Minh Cương, Phó Tổng giám đốc công ty I.V.C cho rằng đã có sự bất công giữa 2 dự án đầu tư. Nhất là, lý do của chính quyền về việc không dừng bến du thuyền phía đông vì thi công đã gần xong, thực sự “khiến chúng tôi không tâm phục khẩu phục”, ông Cương nói như vậy.
Cần vì giá trị bền vững!
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vẫn giữ thái độ kiên định với động thái phản bác của công ty I.V.C. Lý do đơn giản là nhà đầu tư phải thông cảm với chủ trương chung vì giá trị phát triển bền vững.
Về điểm này, lúc sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã có những đánh giá hết sức nghiêm túc với dự án bến du thuyền phía Tây sông Hàn. Ông xác định đây là vị trí thật sự quan trọng, nằm sát cầu Rồng, khu vực trọng yếu của đoạn sông Hàn qua trung tâm Đà Nẵng. Nếu công trình mọc lên cao, sẽ án ngữ toàn bộ tầm nhìn về phía biển của con sông. Thành phố sẽ mất toàn bộ cảnh quan từ khu vực chợ Hàn cho đến tận âu thuyền Thọ Quang.
Trong khi đó, bến du thuyền phía Đông, với vị thế khuất vào bờ sông, xét ra không hề án ngữ nghiêm trọng như tầm nhìn từ bờ tây. Cho nên, thành phố Đà Nẵng có thể chấp nhận để bến du thuyền phía Đông triển khai ngay, còn dự án bến du thuyền phía Tây “phải nhấc lên đặt xuống rất nhiều lần”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đã nhận xét như vậy.
Vị trí quá đặc biệt của bờ tây sông Hàn khiến dự án bến du thuyền ở đây khó có thể triển khai (Ảnh tư liệu)
Quan trọng hơn, khi ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặt ra yêu cầu cần chỉnh đốn lại công tác quy hoạch 2 bờ sông Hàn cho đúng tầm vóc một đô thị hiện đại, các cơ quan tham mưu mới nhận ra “lỗ hổng” lớn đã có nhiều năm, là chưa hề có một thiết kế tổng thể cho dòng sông. Kể cả 5 cây cầu mới được địa phương triển khai trong 17 năm qua, cũng không thuộc về một tầm nhìn chung nào cả.
Bởi vậy, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã kiến nghị địa phương chấp nhận chọn nhà tư vấn quy hoạch lại bờ sông Hàn. Nhưng do khâu tổ chức không đồng bộ, phạm vi nghiên cứu cũng không thống nhất hợp lý, đến lượt các tham mưu của nhà tư vấn này, lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của các tổ chức và giới chuyên môn trên địa bàn.
Bản đồ quy hoạch 2 bờ sông Hàn Đà Nẵng, vì thế đang tiếp tục phải lắng nghe những góp ý sửa chữa mới từ các nhà tư vấn và chuyên môn khác. Mà điều này, thì đồng nghĩa với cảnh chờ đợi của dự án bến du thuyền phía bờ Tây tiếp tục “treo niêu”.
Ông Cương phàn nàn kiến nghị địa phương phải ấn định cho rõ một mốc thời gian cụ thể, nhưng theo ông Vũ Quang Hùng, giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, câu hỏi đó thật sự khó mà có lời giải đáp ngay.
-
Nên dừng các dự án, đồ án quy hoạch “bức tử” bờ sông Hàn?
Giới chuyên môn và các nhà khoa học đều có chung nhận định, toàn bộ đồ án quy hoạch cũng như công trình xây dựng đang “bức tử” bờ sông Hàn.
-
Lập quy hoạch hai bờ sông Hàn hay bức tử dòng sông?
Đa số các chuyên gia, hiệp hội chuyên ngành và người dân đều hoài nghi về tính khách quan của đơn vị tư vấn trong việc lập quy hoạch.
-
Quy hoạch 2 bờ sông Hàn: Nhà tư vấn lúng túng
CafeLand – Chiều ngày 17/7, Sở Xây dựng Đà Nẵng phối hợp các cơ quan chuyên môn có cuộc trao đổi cùng công ty JiNa Architects.Co.Ltd (Hàn Quốc), đơn vị tư vấn về quy hoạch cảnh quan 2 bờ sông Hàn (Đà Nẵng), trước những cảnh báo của dư luận về hướng đề xuất quy hoạch đã không hợp lý.
-
Đà Nẵng sẽ quy hoạch lại hai bờ sông Hàn
Nhằm tạo cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, ngày 12/6, UBND thành phố Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Công ty Tư vấn thiết kế JINA (Hàn Quốc), đơn vị được UBND thành phố đặt hàng về đề án quy hoạch tổng thể khu vực ven sông Hàn. Khu vực được quy hoạch từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý sẽ được quy hoạch lại, tạo ra một sông Hàn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố Đà Nẵng.