Đại diện công ty JiNa trả lời câu hỏi chất vấn từ giới chuyên môn và báo giới về quy hoạch cảnh quan sông Hàn
Tổng cộng có 14 câu hỏi được đặt ra từ các cơ quan chuyên môn về kiến trúc, xây dựng tại địa phương và báo giới, dành cho nhà tư vấn để yêu cầu làm rõ các cơ sở, yếu tố thực tiễn mà nhà tư vấn Jina có được, khi đưa ra ý kiến tư vấn chỉnh trang cảnh quan 2 bờ sông Hàn.
Các nghi vấn này đều bày tỏ quan ngại trước những ý tưởng đề xuất của đơn vị tư vấn, về việc xử lý 2 bờ sông Hàn với những đường kè bê tông mới, công trình cao tầng nhô ra sông và các bến du thuyền, đe dọa làm hẹp lưu vực dòng sông. Hơn nữa, một số điểm nhấn cảnh quan được công ty tư vấn đề ra, trực tiếp lấn sông để tăng diện tích cây xanh, theo các cơ quan chuyên môn, là sẽ làm tăng mật độ kiến trúc trên bờ, làm cản trở dòng chảy và các yêu cầu giao thông đường thủy trên sông Hàn.
Nhà tư vấn đã tỏ ra lúng túng không thể trả lời được những câu hỏi này, và đề nghị có thời gian xem xét lại, lấy thêm ý kiến điều chỉnh đề xuất quy hoạch cảnh quan của đơn vị tư vấn.
Một đoạn sông Hàn qua trung tâm Đà Nẵng nằm trong đề xuất quy hoạch chỉnh trang của công ty Jina
Riêng với ý kiến từ Tạp chí CafeLand, đề nghị nhà tư vấn không nên tự giới hạn phạm vi đề xuất cảnh quan chỉ ở trung tâm Đà Nẵng, mà cần mở rộng ra dọc chiều dài sông Hàn, góp ý để mở rộng tầm nhìn đô thị Đà Nẵng ra xa hơn, thoát khỏi cảnh tù túng trong tư duy kiến trúc lâu nay, nhà tư vấn xác định ghi nhận và sẽ kiến nghị địa phương thực hiện.
Theo thực tế, công ty JiNa đã phối hợp cùng Sở Xây dựng Đà Nẵng tiến hành dự án khảo sát, đề xuất quy hoạch cảnh quan 2 bờ sông Hàn thì phạm vi nghiên cứu cảnh quan này đang gói gọn trong đoạn sông từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý, tập trung vào điểm nhấn cầu qua sông Hàn và cầu Rồng, là khu vực đã có mật độ kiến trúc quá dày đặc. Doanh nghiệp đã đề nghị mở thêm các vị trí công viên, điểm vui chơi, bến du thuyền... ở khu vực này nhằm tăng thêm các giá trị du lịch và kinh tế cho địa phương.
Nhìn nhận của giới chuyên môn cho thấy, nếu bờ sông Hàn được nghiên cứu tốt về công tác quy hoạch và thiết kế kiến trúc, sẽ có thể nâng tầm giá trị các công trình và bất động sản liên quan lên gấp nhiều lần so với hiện trạng đầu tư hiện nay.
Được biết, giá đất tại khu vực đường Bạch Đằng (bờ Tây sông Hàn), khu vực trung tâm Đà Nẵng đang được định giá cao nhất dao động từ 200 – 230 triệu đồng/m2, nhưng thực tế rất khó có dao dịch.