22/07/2015 9:29 PM
Đa số các chuyên gia, hiệp hội chuyên ngành và người dân đều hoài nghi về tính khách quan của đơn vị tư vấn trong việc lập quy hoạch.
Những ngày qua, dư luận thành phố Đà Nẵng liên tiếp phản đối đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn, đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý do Công ty tư vấn thiết kế JiNa Architects.Co.Ltd (Hàn Quốc) đề xuất. Đa số các chuyên gia, hiệp hội chuyên ngành và người dân đều hoài nghi về tính khách quan của đơn vị tư vấn trong việc lập lập quy hoạch.
Đến thời điểm này, Tập đoàn DHC đã đổ bê tông hoàn thiện tầng 5 nhà hàng hình dáng con tàu trên bờ Đông sông Hàn, khu vực quy hoạch bến du thuyền của DHC. Ngay trên dòng sông Hàn thơ mộng, lừng lững một tòa nhà bê tông dài hàng chục mét như một khối bê tông khổng lồ.
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, Hội viên Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng cho rằng: Bến du thuyền DHC nằm ở vị trí này là không phù hợp cả về mặt không gian kiến trúc, tầm nhìn, cảnh quan đô thị và ngăn cản dòng chảy. Theo ông Hồ Duy Diệm, cách đây 20 năm, Đà Nẵng đã làm cuộc cách mạng giải tỏa tất cả nhà chồ ở bờ Đông sông Hàn. Bây giờ, thế hệ cán bộ mới ở Đà Nẵng lại cho phép làm một căn nhà chồ bằng bê tông cắm ra mặt sông. Đoạn sông này mực nước cạn, khi thủy triều lên, mọi rác thải, chất bẩn sẽ tấp vào tòa nhà này.
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm cảnh báo: “Tôi không hiểu là họ đưa nước thải của 1 nhà 5 tầng, quy mô lớn như thế (bao nhiêu phòng ngủ, cửa hàng ăn...) đi đâu, bằng cách nào. Nếu tất cả thả hết xuống sông Hàn thì chắc chắn rác thải sẽ trôi lềnh bềnh trước cửa nhà làm việc của UBND Thành phố. Hậu quả nó để lại ghê gớm lắm”.
Trong khi Đà Nẵng cho phép DHC xây dựng bến du thuyền trên sông Hàn gây bức xúc trong dư luận thì trong quy hoạch hai bờ sông Hàn, Công ty tư vấn thiết kế JiNa lại tiếp tục đề xuất xây dựng cả chục bến du thuyền và nhà hàng nổi trên sông Hàn.
Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng nhận xét: đơn vị tư vấn chưa hiểu được sông Hàn từ xuất xứ tới sự mở mang để có được dòng sông như hiện nay.
Tòa nhà 5 tầng hình con tàu đã hình thành trên sông Hàn
Theo ông Hoàng Quang Huy, trong tâm thức người dân Đà Nẵng, sông Hàn là báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho họ. Dòng sông Hàn thơ mộng giữa lòng đô thị là dòng sông hiếm có trên thế giới, lại gắn kết với vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và các di tích danh lam thắng cảnh khác. Việc quy hoạch 2 bờ sông Hàn lâu nay được làm tương đối bài bàn, nhiều người hết lời khen ngợi. Vậy mà bỗng dưng, đồ án Quy hoạch mới được đề xuất lại có ý tưởng thu hẹp sông Hàn.
Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy phân tích: “Chẳng hạn đoạn rộng nhất ở chỗ cầu Nguyễn Văn Trỗi gần 800 m, bây giờ quy hoạch thu hẹp chỉ còn 500 m; thu hẹp mỗi bên bờ sông gần 100 m. Đặc biệt, đoạn trung tâm là đoạn cầu sông Hàn chỉ có 420 m, cũng cho lấn còn 350 m.... Không có dòng sông nào mà người ta lại thu hẹp đến mức như thế, không thể chấp nhận được”.
Cũng theo ông Hoàng Quang Huy, Đồ án của Công ty tư vấn thiết kế JiNa dường như muốn chuyển đổi công năng sông Hàn thành nơi nhộn nhịp các bến du thuyền. Ông Huy cảnh báo, lòng sông Hàn đã hẹp, nếu tiếp tục lấn ra và hai bên bờ sông trở nên ngoằn ngoèo, chỗ ra chỗ vào như đồ án này, tức khắc sẽ biến dòng sông Hàn thành một con kênh chứ không còn là sông nữa.
Một phác thảo trong đồ án quy hoạch sông Hàn đề xuất nhiều công trình lấn sông
Các ý tưởng trong đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn của JiNa về việc thu hẹp dòng sông để trồng cây mà quên núi Sơn Trà kề đó có cả một rừng cây xanh khổng lồ. Mặt khác, đồ án đưa ra ý tưởng hình thành các hồ nước nhỏ gây tù đọng ngay trên dòng sông Hàn, đổ đất thành đồi để làm sân khấu xem pháo hoa che chắn tầm nhìn ra sông… là những ý tưởng xa rời với cuộc sống của người dân thành phố.
Còn nữa, Công ty JiNa "vẽ" ra việc xây công viên trên cao băng qua đường Trần Hưng Đạo. Trong khi đó, công viên này không là gì so với núi Sơn Trà và công viên trên đường 2/9 nằm gần bờ sông. Vậy cớ gì phải làm công viên trên cao, tốn kém?
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, nhà tư vấn chưa nghiên cứu kỹ địa chất, dòng chảy của sông Hàn.
Còn ông Huỳnh Việt Thành, nguyên phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng thì khẳng định: dòng sông Hàn tính từ cửa sông còn rất rộng, nhiều cảnh đẹp, phía thượng nguồn kéo dài đến cầu Hòa Xuân vẫn còn nhiều khu đất rộng, tầm nhìn thoáng có thể tổ chức được nhiều công trình có quy mô lớn. Vì vậy, quy hoạch hai bên bờ sông Hàn do JiNa thực hiện chỉ bó hẹp ở khu vực trung tâm thành phố là không hợp lý.
Theo ông Huỳnh Việt Thành, về phía bờ cũng cần mở rộng quy hoạch sâu vào phía đô thị phía Đông đường Trần Hưng Đạo và phía Tây đường Bạch Đằng để gắn kết không gian đô thị với dòng sông chứ không nên co cụm trên dòng sông.
Ông Huỳnh Việt Thành, nguyên Phó Giám đốc sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đề nghị Lãnh đạo thành phố nên cân nhắc thực tế này. Bởi vì sông Hàn vẻ đẹp tự nhiên đã tuyệt vời rồi. Việc xây dựng các công trình trên sông cần phải cân nhắc.
“Cảng sông Hàn mới được giải tỏa, cảng sông Thu đã được bàn giao cơ bản. Bến thuyền trước mắt là sử dụng 2 cảng đó hoặc có thể sử dụng khu vực của Nhà máy đóng tàu sông Hàn bên kia. Đó là những chỗ có truyền thống về đậu thuyền, mớm nước đầy đủ, luồng lạch rất tốt, không việc gì phải xây thêm. Bởi vì xây thêm sẽ che chắn hết tầm nhìn ra sông. Tôi nghĩ tất cả các công trình phục vụ cho du thuyền không được nằm sát mặt nước”.
Kiến trúc sư Huỳnh Toà, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng những năm 80 thế kỷ trước khẳng định, nhà tư vấn JiNa chưa hiểu gì về sông Hàn, con sông có khả năng tải lũ cho những con sông lớn và dốc từ thượng nguồn đổ về. Vì vậy họ đề xuất xây dựng nhiều công trình dịch vụ, bó hẹp lòng sông. Những ý tưởng này theo Kiến trúc sư Huỳnh Tòa là tối kỵ với dòng sông Hàn.
Kiến trúc sư Huỳnh Tòa cho rằng nhà tư vấn chỉ đáp ứng các dịch vụ ở trung tâm thành phố
Theo ông Huỳnh Tòa, “gần như tác giả vào cuộc chủ yếu là làm các dịch vụ trước mắt là các bến du thuyền. Từ ngày giải phóng đến nay, các nhà quy hoạch đã có suy nghĩ không cho phép xây dựng các cấu trúc, các kiến trúc 2 bên bờ sông Hàn. Thế nên việc lấn sông là điều không cho phép”.
Sông Hàn là con sông chưa bao giờ ngập lụt. Nhiều người lo ngại, đồ án quy hoạch đôi bờ sông Hàn thu hẹp bờ sông sẽ bức tử con sông lung linh, xinh đẹp, biến dòng sông này trở thành một con mương, dày đặc những khối bê tông, ngăn đường thoát lũ, chưa kể những nhà cao tầng che khuất các hướng nhìn ra sông. Nếu điều này xảy ra, liệu có giữ được vẻ đẹp của sông Hàn như hiện nay?./.
Thanh Hà (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.