Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trả lời như trên tại Chương trình HĐND với cử tri do HĐND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 15-5.
Sẽ báo cáo trung ương tìm giải pháp
"Tất cả đều trong tình trạng "đóng băng", nhúc nhích không được, triển khai làm cũng khó, thậm chí làm xong rồi thì những thủ tục tiếp theo để đưa vào mua bán, vận hành dự án cũng khó" - ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Lấy ví dụ khu đô thị Đa Phước, quận Hải Châu đang trong quá trình thanh tra, ông Thơ cho rằng nếu được triển khai, công trình sẽ góp phần giúp kinh tế TP tăng trưởng. Hiện tại, Đa Phước cũng như nhiều khu vực khác đang trong tình trạng "đóng rêu, lên mốc, nằm yên tại chỗ".
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc các dự án này bị thanh tra, kiểm tra là câu chuyện từ nhiều năm về trước và bây giờ, TP Đà Nẵng phải tập trung tháo gỡ. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mong muốn được dư luận và cộng đồng chia sẻ những khó khăn trên. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị đối với những vấn đề vượt tầm kiểm soát, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải báo cáo ngay để lãnh đạo TP báo cáo trung ương nhằm tìm kiếm giải pháp, chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước “án binh bất động” do đang trong quá trình thanh tra, điều tra
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, hiện nay, trong cán bộ có tâm lý e ngại, sợ sai khi làm việc. "Đó là quyền cá nhân của cán bộ nhưng trong hệ thống chính trị, tư tưởng mà quá lo sợ, quá an toàn cho mình, không dám tham mưu đề xuất gì hết là một điều không được khuyến khích. Đã đến lúc Đà Nẵng tập trung hành động mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị chia sẻ những cái được, kể cả những cái rủi ro" - ông nhấn mạnh.
Nóng chuyện ô nhiễm bãi rác, nước thải
Tại chương trình, cử tri Nguyễn Tựa (quận Liên Chiểu) cho rằng ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn đã gây nhiều bức xúc cho người dân phường Hòa Khánh Nam, chính quyền đã hứa nhiều lần về việc di dời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Ông Tựa đặt câu hỏi có hay không việc di dời, đóng cửa bãi rác và đề nghị nêu rõ lộ trình thực hiện.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho biết bãi rác Khánh Sơn đã tiếp nhận khoảng 3,2 triệu tấn rác; hằng ngày tiếp nhận hơn 1.100 tấn, chưa kể rác phân bùn bể phốt và rác thải y tế. Dự kiến đến tháng 9, bãi rác Khánh Sơn sẽ không còn chỗ chứa.
Ông Hùng cho rằng việc đóng cửa hay di dời bãi rác không thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm vì nếu di dời chỗ này sang chỗ khác thì ô nhiễm cũng kéo theo. Ông Hùng đưa ra giải pháp xây dựng bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, theo quy chuẩn; đồng thời di dời các hộ dân trong phạm vi ô nhiễm. Nếu thuận lợi, cuối năm 2020, khu liên hợp xử lý rác thải này sẽ đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, khẳng định Thường trực HĐND TP thống nhất chủ trương tiếp tục sử dụng khu vực bãi rác Khánh Sơn. Bên cạnh đó, TP sẽ đầu tư nâng cấp trở thành khu liên hiệp xử lý chất thải rắn, lộ trình thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Nhiều cử tri đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp về vấn đề nước thải đổ ra biển. Ông Tô Văn Hùng cho biết để cải thiện tình trạng này, Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng đang ưu tiên thực hiện dự án với quy mô đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Nho Trung, Thường trực HĐND TP đã thống nhất rà soát việc thực hiện đánh giá tác động môi trường tại các nhà hàng, khách sạn từ nay đến tháng 8-2019. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tổng kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện.
9 dự án bị thanh tra Tháng 9-2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã công bố danh sách 9 dự án tại TP Đà Nẵng để làm rõ về việc mua bán, chuyển nhượng. Các dự án gồm: Công viên An Đồn (thực hiện năm 2010); khu đô thị Harbour Ville của Công ty CP Đầu tư Mega (năm 2008); khu đất tại đường 2 Tháng 9 - Phan Thành Tài (năm 2012); dự án Phú Gia Compound, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (năm 2007); khu dịch vụ du lịch nhà hàng - cà phê - bar và bến du thuyền (năm 2015); dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181 ha, năm 2008); lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (năm 2009); khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010); khu du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5 ha phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007). |
-
Gần 130 dự án tại Hải Dương chậm tiến độ
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, toàn tỉnh có 127 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ.
-
Siêu dự án của Sông Hồng Thủ Đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách chậm tiến độ
Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô có hai dự án chậm tiến độ gồm Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (8/2018-2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (tiến độ 2010-2015).
-
Dự án của Flamingo, Sông Hồng Thủ đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách dự án chậm tiến độ
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã công bố danh sách 20 dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ trên địa bàn. Nổi bật có những dự án liên quan đến các doanh nghiệp tên tuổi như Flamingo, Sông Hồng Thủ đô, Vinaconex…...