CafeLand - Chính quyền thành phố Đà Nẵng cho biết đã điều đình với nhà đầu tư dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex điều chỉnh lại thiết kế khu vực bờ kè sông Hàn, tạo vệt cảnh quan sinh thái, không còn nhà cao tầng. Song dư luận chung và nhiều kiến trúc sư vẫn lo lắng mùa lũ về sau.

Trao đổi với CafeLand, kiến trúc sư Hoàng Sừ cho rằng chủ trương điều chỉnh lại dự án Marina Complex nhìn bề ngoài đã giải quyết được nỗi lo của dư luận thời gian qua, là chấm dứt nguy cơ cảnh quan bị phá vỡ, cửa sông Hàn có những khối bê tông nhô cao không bảo đảm tầm nhìn.

Nhất là bờ kè sông Hàn, từ chỗ bị đánh giá xây lấn ra để chia lô bán nền, đã định vị rõ không có hiện tượng xây lấn bê tông hóa để xây dựng khu đô thị kiên cố, ảnh hưởng dòng sông.

Những thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, sau khi đánh giá lại mức độ ảnh hưởng của dự án Marina Complex với dòng chảy sông Hàn, các tổ chức khoa học đều nhận định không cảnh báo nghiêm trọng.

Song trước áp lực dư luận bất đồng về việc hình thành một khu vực đô thị lấn ra mặt sông, chính quyền thành phố đã điều chỉnh cùng chủ đầu tư, chỉ sử dụng phần bờ kè nhô ra vào việc tạo cảnh quan sinh thái, làm vệt công viên cây xanh tại đây.

Điều này cơ bản giải quyết được thắc mắc của dư luận, và nói như một số nhà chuyên môn là “xoa dịu những cái đầu nóng”. Thái độ cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng khiến dư luận có mối thiện cảm tốt hơn.

Bản thân chủ đầu tư dự án cũng chấp nhận những trao đổi cần thiết để điều chỉnh dự án này lần thứ ba, sau hơn 10 năm theo đuổi và nhận lại quá nhiều đánh giá tiêu cực từ cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Sừ, bài toán phòng ngừa bão lũ trên sông Hàn không vì điều đình của chính quyền mà giảm đi.

Ông Sừ cho biết tính đến nay, cửa sông Hàn từ bề rộng 700 mét chiều ngang đã bị lấn mất 200 mét, gồm bờ kè khu đô thị ở đường Như Nguyệt – bờ tây sông Hàn lấn 100 mét, và bờ kè dự án Marina Complex và Olalani – bờ đông sông Hàn lấn thêm 100 mét.

“Cửa sông thu nhỏ lại gần 30%, vậy Đà Nẵng liệu có an toàn nếu xảy ra những đợt mưa lũ lớn phía thượng nguồn?” ông Sừ đặt vấn đề.

Phản biện từ Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng cũng cho thấy, khu vực phía thượng nguồn sông Hàn, liên quan đến lưu vực sông Thu Bồn, từ lâu đã liên tục bị uy hiếp bởi sự hình thành quá nhiều nhà máy thủy điện. Một khi có mưa lũ lớn, tất cả các hồ điều tiết thủy điện cùng xả thì dòng chảy ở sông Hàn sẽ gia tăng bao nhiêu. Điều này không thể dựa vào các chỉ số đo từ năm 2009 – 2012 để tính được.

Ông Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng, cho rằng tình trạng mùa nắng nước suy kiệt, mùa mưa nước tràn trề là nghịch cảnh đáng lo cho sông Hàn khi có nhiều nhà máy thủy điện mọc lên phía thượng nguồn. Do đó, Đà Nẵng cần có những yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức, chủ đầu tư thủy điện về phía Quảng Nam.

Hơn nữa, khu vực sông Hàn từ dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã có dấu hiệu bị lấn sông để xây dựng, theo ông Hoàng Sừ. Vùng trũng này từ lâu là khu vực dồn nước lũ phía thượng nguồn về, giúp giảm tải cho cửa sông Hàn.

Đến nay, đây là khu đô thị mới, mật độ xây dựng tăng, tỷ lệ bê tông hóa cao gấp vài chục lần so với quá khứ. Lúc này Hòa Xuân không còn là điểm ứ nước cho sông Hàn nữa mà tất cả nước lũ khi hình thành sẽ chảy thẳng về cửa sông. Điều này đồng nghĩa với những trận mưa lũ lớn, khu vực hai bờ sông Hàn đi qua trung tâm Đà Nẵng sẽ biến thành thảm họa.

“Tôi nhấn mạnh là biến thành thảm họa khi khả năng lũ quét dọc bờ sông xuất hiện, chạy từ Hòa Xuân về cầu Thuận Phước. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra nguy cơ đó?” kiến trúc sư Hoàng Sừ chất vấn.

Nguyên Đức
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.