Nhiều dự án đã có thanh khoản tốt sau khi cơ cấu lại diện tích và giá bán
Trước đó, vào khoảng giữa năm 2012, trao đổi với ĐTCK, đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS còn cho rằng, thị trường BĐS quá xấu nên việc mở bán chắc chắn không thành công. Việc giảm giá bán không những không mang lại hiệu quả, mà còn làm cho thị trường xấu thêm, dự án mất uy tín, khi khách hàng có thêm lý do để chờ đợi thị trường tiếp tục giảm giá.
Dường như tất cả những dự đoán của doanh nghiệp đều đúng. Chỉ có điều, việc hy vọng thị trường cuối năm sẽ ấm dần để doanh nghiệp tiến hành mở bán đã không diễn ra. Thị trường có xu hướng xấu hơn. Vì thế, muốn bán được hàng vào thời điểm này để có được dòng tiền vào cuối năm, các doanh nghiệp buộc phải tiến hành giảm giá mạnh hơn. Chính vì thế mới xảy ra hiện tượng các chủ dự án đua mở bán vào dịp cuối năm, với mức giá vô cùng hấp dẫn do liên tục được điều chỉnh giảm.
Thực tế, việc giảm giá bán hàng thành công không đến đều với các dự án. Bởi tiến độ và vị trí mỗi dự án khác nhau. Vì thế, việc giảm mạnh giá bán tại một số dự án có khi mang lại hiệu quả tiêu cực, khi khách hàng ngày một kỹ tính hơn trong việc chọn mua hàng.
Ngoài việc giảm mạnh giá bán, để tăng thanh khoản cho sản phẩm, các chủ dự án cũng đua nhau điều chỉnh cơ cấu và thiết kế căn hộ theo hướng thu hẹp diện tích.
Cụ thể, tòa nhà CT3, cao 45 tầng thuộc Dự án The Pride (quận Hà Đông) sau một thời gian dài dừng thi công, mới đây, CTCP Đầu Tư Hải Phát, chủ đầu tư dự án đã chính thức lên tiếng việc dự án tạm dừng thi công là do chủ đầu tư đang xin điều chỉnh thiết kế theo hướng thu hẹp diện tích căn hộ. Ngoài ra, mức giá bán ra sắp tới dự kiến cũng giảm nhiều. Một dự án căn hộ cao cấp khác nằm trên đường Nguyễn Trãi, Hà Đông của một đơn vị thuộc Tổng công ty cơ khí xây dựng đã có thanh khoản rất tốt trên thị trường sau khi cơ cấu thu hẹp diện tích căn hộ và tiếp tục giảm mạnh giá bán…
Không chỉ cơ cấu lại diện tích và điều chỉnh giá bán căn hộ cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, không ít chủ dự án còn có xu hướng chuyển dự án căn hộ thương mại sang dự án nhà xã hội để hưởng ưu đãi và tăng thanh khoản cho sản phẩm tại dự án. Hiện đã có doanh nghiệp tại Hà Nội có văn bản chính thức xin chuyển một phần dự án nhà thương mại sang nhà xã hội.
Một lãnh đạo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội mới đây thừa nhận, có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu việc chuyển dự án từ nhà thương mại sang nhà xã hội, nhà thu nhập thấp. Thậm chí, lãnh đạo này còn dự đoán, thời gian tới sẽ có một làn sóng doanh nghiệp xin chuyển dự án nhà thương mại sang nhà xã hội.
Trả lời phỏng vấn ĐTCK mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ khuyến khích doanh nghiệp chuyển dự án nhà thương mại sang làm nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại dự án theo hướng tạo ra các sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Hiện vẫn chưa nhiều doanh nghiệp chuyển nhà thương mại sang nhà xã hội. Song, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển sang làm nhà ở xã hội hơn.
Theo nhận định, đánh giá của nhiều công ty nghiên cứu thị trường BĐS, thị trường BĐS trong ít nhất 2 quý đầu năm 2013 vẫn trầm lắng và đi xuống. Thế nhưng, riêng phân khúc BĐS bình dân, phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân vẫn có thanh khoản tốt. Những chuyển biến mạnh mẽ trên thị trường thời gian gần đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển ổn định của thị trường BĐS trong thời gian tới.