Ngày 5/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 157 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Thủ tướng đánh giá hệ thống đường sắt trong thời gian tới có quy mô rất lớn, gồm nhiều dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, và các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái...
Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trong tháng 4/2025 trình Chính phủ bổ sung cơ chế chỉ định thầu cho dự án để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong tháng 5.
“Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026. Bộ Xây dựng rà soát, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời các bộ, ngành kịp thời có ý kiến sau khi Bộ Xây dựng xin ý kiến về dự thảo Nghị định để ban hành trong tháng 4/2025.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể khởi công vào cuối năm 2026
Đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4/2025, nhằm đáp ứng mục tiêu khởi công dự án vào tháng 12 năm nay.
Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và các khu tái định cư của dự án trong năm 2025.
Đối với tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính sẽ đàm phán với phía Trung Quốc về Hiệp định khung các nội dung liên quan trong tháng 5/2025. Dự kiến hiệp định vay vốn sẽ được ký kết vào tháng 11, ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo hai bộ này dự thảo và gửi Công thư của Phó thủ tướng đề nghị Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc hỗ trợ về vốn vay ưu đãi cho dự án.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chuẩn bị hồ sơ để sớm triển khai tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Với đường sắt đô thị, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM được yêu cầu rà soát kế hoạch triển khai các tuyến và xác định rõ phương án huy động vốn cho từng dự án.
Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng phê duyệt tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho dự án đường sắt đô thị TP.HCM, đoạn Bến Thành - Tham Lương, và đề xuất điều chỉnh nguồn vốn cho dự án này.
Hình thành các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp đường sắt
Với nhiều dự án được triển khai, Thủ tướng cho rằng cơ hội để làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt. Mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt như làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt...
Đến năm 2030-2045, Việt Nam sẽ làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng phải tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cũng như hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Mặt khác, cũng cần huy động mọi nguồn lực (gồm sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, huy động từ nguồn vốn vay, vốn ODA, phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất theo hình thức TOD...).
Song song đó, Việt Nam cần xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành đường sắt.
Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo trình tự để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (theo định hướng mô hình tập đoàn) trong tháng 6 năm nay. Mục tiêu là để đơn vị này có thể tham gia các dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai và tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi các dự án hoàn thành.
Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, liên quan rà soát các chính sách để huy động các tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia việc đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt.
Bộ Xây dựng đồng thời xem xét giao Tập đoàn Viettel và VNPT chủ trì tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được đầu tư mới với khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh. |
-
Xây đường sắt tốc độ cao, Thủ tướng yêu cầu phải sản xuất được toa xe, đầu máy “made in Vietnam”
Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tháng 12/2026. Đồng thời quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.
-
Thêm “một tên tuổi lớn” muốn tham gia vào cuộc đua làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa tổ chức mới đây, Công ty CP Điện lực Gelex - Gelex Electric (Mã: GEE) đặt mục tiêu tham gia sản xuất cáp ngầm cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam quy mô 67 tỷ USD.
-
Xây đường sắt tốc độ cao, Việt Nam cần khoảng 28,7 triệu mét ray thép, 46 triệu thanh tà vẹt
Các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt đô thị cần tới 28,7 triệu mét ray thép. Ai sẽ cung cấp khối lượng vật tư khổng lồ này?








-
Tuyến đường sắt hơn 200.000 tỷ đồng nối Lào Cai - Hải Phòng có gì đặc biệt?
Dự án đường sắt hơn 200.000 tỷ đồng nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang thu hút sự quan tâm lớn bởi quy mô và tầm quan trọng chiến lược. Tuyến đường sắt này có gì đặc biệt? Công nghệ, thiết kế, tác động kinh tế và ý nghĩa đối với giao thương khu vự...
-
Đường sắt cao tốc 67 tỷ USD vừa có lệnh khởi công, Hòa Phát lập tức xây nhà máy sản xuất ray thép ngay trong tháng 4
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết trong tháng 4/2025, Hòa Phát sẽ tổ chức động thổ xây dựng nhà máy nhằm kịp thời sản xuất sản phẩm thép ray đường sắt, thép đặc biệt phục vụ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia....
-
Xây đường sắt tốc độ cao, Thủ tướng yêu cầu phải sản xuất được toa xe, đầu máy “made in Vietnam”
Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tháng 12/2026. Đồng thời quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đườn...