01/01/2015 8:08 PM
Từ những tên tuổi quen thuộc như Lotte, Berli Jucker... đến những tân binh tại Việt Nam như Aeon, Cetral Group hay Vingroup, năm 2014 chứng kiến sự sôi động của thị trường bán lẻ.

Với dân số hơn 90 triệu người và đa số ở độ tuổi lao động, Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn với ngành bán lẻ - phân phối. Đặc biệt, cánh cửa thị trường ASEAN rộng mở trong năm 2015, nhiều mặt hàng giảm thuế suất về 0% lại càng khuyến khích các ông lớn nước ngoài rót tiền để đón trước cơ hội. Dưới đây là 5 đại gia trong lĩnh vực siêu thị đã tham gia cuộc đua kịch tính về quy mô thị trường trong năm qua.

1. Aeon (Nhật Bản)

Aeon đặt mục tiêu mở 20 trung tâm thương mại và siêu thị khắp cả nước.

Thành lập cách đây hơn 250 năm từ một cửa hiệu chuyên cung cấp các chất liệu, phụ kiện may kimono, đến nay Aeon đã trở thành đại gia bán lẻ toàn cầu, xuất hiện ở 14 quốc gia với doanh thu gần 60 tỷ USD năm 2013.

Aeon bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện và được chấp thuận thành lập công ty vào năm 2011, vốn đăng ký đầu tư gần 205 triệu USD. Đây là bước khởi đầu cho Aeon để phát triển các hoạt động về xây dựng, tổ chức, quản lý và kinh doanh trung tâm thương mại, bách hóa tổng hợp và siêu thị. Đầu năm 2014, hãng đã khai trươgn trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam, nằm tại quận Tân Phú (TP HCM) và đến cuối năm là trung tâm thứ hai tại Bình Dương.

Mục tiêu của Aeon là năm 2020 sẽ mở cửa và cho vào hoạt động 20 trung tâm mua sắm và siêu thị trên khắp Việt Nam. Trong khi đó, trên toàn cầu, ông lớn này có tổng cộng gần 16.500 trung tâm, cửa hàng.

2. Berli Jucker (Thái Lan)

Việc Berli Jucker mua lại Metro Việt Nam là thương vụ M&A tiêu biểu năm qua.

Năm 2014 là quãng thời gian bận rộn của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan - ông Charoen Sirivadhanabhakdi. Sau khi tham gia vào chuỗi bán lẻ Family Mart (nay đã đổi tên thành B's Mart), giữa năm 2014, công ty Berli Jucker của tỷ phú này gây sốc trên thị trường khi mua lại đại siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam từ những ông chủ Đức.

Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, được mua lại với giá 655 triệu euro. Sau thương vụ, Berli Jucker tính tới việc tăng sự hiện diện của hàng Thái tại các siêu thị. Bà Metinee Issarajinda - Trợ lý Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ nhà đầu tư của BJC cho biết công ty sẽ cử 10 chuyên gia sang Việt Nam nhằm giúp điều chỉnh cơ cấu mặt hàng.

Ngoài ra, Berli Jucker cũng lên kế hoạch mở thêm 205 cửa hàng tiện tích mang thương hiệu B's Mart trong 4 năm tới. Tại Thái Lan, công ty này có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán khoảng 88 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD). Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.

Bên cạnh mở rộng hệ thống phân phối, Charoen Sirivadhanabhakdi còn tính tới thâm nhập vào thị trường bia Việt Nam, vốn rất tiềm năng với mức tăng trưởng hai con số. Thai Beverage - một công ty con khác của tỷ phú này đã đề xuất mua cổ phần trong Sabeco - hãng bia lớn nhất nước. Hiện ThaiBev sở hữu hai thương hiệu Chang Beer và trà xanh Oishi của Thái Lan. Sabeco được công ty này định giá 2 tỷ USD.

3. Central Group (Thái Lan)

Theo chân những đại gia Thái Lan đã thành công tại Việt Nam, năm 2014, trung tâm mua sắm Robins cũng có mặt tại Hà Nội và TP HCM.

Theo chân những ông chủ đã thành công tại thị trường bán lẻ Việt Nam, năm 2014, Tập đoàn Central Group của gia đình giàu nhất Thái Lan Chirathivat chính thức hiện diễn với hệ thống trung tâm mua sắm Robins tại Hà Nội và TP HCM.

Mỗi trung tâm của Robins đều có tổng diện tích 10.000 m2, với sự tham gia của 200 nhà cung cấp và 10.000 nhóm hàng từ gia dụng tới thời trang, vốn đầu tư hàng triệu USD. Central Group cho hay việc đầu tư liên tiếp hai trung tâm mua sắm tại Việt Nam nằm trong kế hoạch lấn sân sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á đã được tập đoàn thông qua năm ngoái. Khoản ngân sách 15 tỷ bath (khoảng 460 triệu USD) được đại gia này dự trù để mở trung tâm mua sắm tại Indonesia, Việt Nam và Malaysia.

Robins cũng không phải là dự án bán lẻ đầu tiên của Central Group ở Việt Nam. Trước đó, các cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance đã có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.

4. Lotte (Hàn Quốc)

Lotte Mart đang trở thành đối trọng lớn với các nhà bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam.

Vào Việt Nam từ năm 2008, song 5 năm đầu hệ thống siêu thị của Lotte (Lotte Mart) chỉ xuất hiện ở các tỉnh thành phía Nam. Sang năm 2014, đại gia bán lẻ Hàn Quốc tiến quân ra Hà Nội với kế hoạch quy mô khi mở điểm đầu tiên có diện tích hơn 20.000 m2 và khai trương Lotte Center Hà Nội - tòa nhà cao thứ hai thành phố với tổng diện tích sàn là 253.000 m2.

Lotte Mart hiện có 10 điểm bán hàng, mục tiêu đến năm 2020 ông lớn này sẽ mở khoảng 60 cửa hàng trải dài khắp các tỉnh thành trên Việt Nam, trở thành đối trọng của các nhà bán lẻ ngoại lâu năm tại Việt Nam như BigC, Metro...

Lotte là tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, khởi nghiệp từ công ty bánh kẹo cách đây gần 50 năm. Hiện tại, Lotte đã bành trướng trên nhiều lĩnh vực như phân phối, thực phẩm, hóa dầu, xây dựng, giải trí, du lịch... Lotte Shopping là công ty đóng vai trò cốt lõi và sở hữu toàn bộ các loại hình kinh doanh trong ngành phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng liện lợi... Doanh số hàng năm của công ty khoảng 14 tỷ USD, chiếm 35% tổng doanh thu của tập đoàn.

Tại Việt Nam, Lotte đã có 60 cửa hàng Lotteria, 10 siêu thị Lotte Mart, một nhà máy sản xuất bánh kẹo ở Bình Dương, một khách sạn 5 sao ở TP HCM và một trung tâm mua sắm ở Hà Nội.

5. Vingroup (Việt Nam)

Là lính mới trên thị trường, song Vingroup không hề thua kém khi lên kế hoạch mở rộng quy mô lớn trong thời gian tới.

Xuất thân là một doanh nghiệp bất động sản sở hữu hàng trăm nghìn m2 trung tâm thương mại cũng như khu chung cư cao cấp tại các thành phố lớn, Vingroup có sẵn lợi thế để trở thành nhà bán lẻ tầm cỡ. Ngay từ năm 2013, tập đoàn này đã nhăm nhe thâm nhập khi cho ra đời chuỗi trung tâm mua sắm dành cho trẻ em và công ty chuyên về thương mại điện tử.

Quý IV/2014, Vingroup chính thức gia nhập thị trường, không phải thông qua tự đầu tư mà mua lại chuỗi trung tâm thương mại Ocean Mall và hệ thống siêu thị Ocean Mart của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group). Thương hiệu bán lẻ VinMart và Vinmart+ cũng được Vingroup sử dụng cho hệ thống phân phối bán lẻ của mình.

Khởi đầu, VinMart tiến hành tái cơ cấu lại 13 siêu thị hiện hữu của Ocean Mart trên cả nước, tổng diện tích hơn 40.000 m2. Trong 3 năm tới, tập đoàn lên kế hoạch mở rộng ra 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam thông qua đầu tư mới hoặc M&A.

Ngay trong những ngày cuối năm, VinMart đánh dầu sự mở rộng khi lấy lại 10.000 m2 mặt bằng của siêu thị 79 Market, vốn thuộc về Alphanam. Thời gian tới, hệ thống siêu thị của Vingroup sẽ tiếp tục bành trướng ra nhiều khu dân cư, địa bàn đông dân trên cả nước.

Phương Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.