Tỷ giá USD/VND trên thị trường ngoại hối đột ngột đảo chiều, lượng cung ngoại tệ tăng đột biến và giá liên tục lao dốc.

Đầu giờ chiều nay (22/4), giám đốc một chi nhánh tại Tp.HCM nhắn tin cho biết, nhiều người dân đến ngân hàng bán lại USD, chuyển sang VND gửi tiết kiệm.


Đã lâu rồi, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại mới có một cú rơi mạnh như vậy ngay trong ngày.


“Quy luật của cung cầu, cung tăng - giá giảm. Giá USD cuối giờ sáng nay chỉ còn 20.880 VND. Việc chuyển đổi mạnh sẽ tăng tiền gửi VND và lãi suất sắp tới có thể giảm”, tin nhắn qua điện thoại của giám đốc trên nhận định.

Đầu giờ chiều nay, tỷ giá USD/VND lại tiếp tục gây sốc khi đà lao dốc thể hiện mạnh mẽ. Theo biểu niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tính đến 15h, giá USD bán ra chỉ còn 20.830 VND = 1 USD, giảm tới 70 VND so với đầu giờ sáng.

Đã lâu rồi, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại mới có một cú rơi mạnh như vậy ngay trong ngày. Diễn biến tương tự chỉ từng có ở thời điểm đầu năm 2008, khi nguồn cung ngoại tệ lớn và có trạng thái ứ đọng ngoại tệ trong hệ thống.

Tại Ngân hàng Á châu (ACB), mức điều chỉnh của giá USD bán ra còn mạnh hơn rất nhiều. Mức bán ra chỉ còn 20.790 VND, giảm tới 90 VND so với mức niêm yết đầu giờ sáng. Mức giá mua vào cũng rơi xuống còn 20.730 VND (mua chuyển khoản), chênh lệch giữa giá mua - bán tiếp tục được nới rộng lên 60 VND.

Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), mức giá USD bán ra chiều này cũng đã giảm tới 80 VND so với đầu giờ sáng, ở mức 20.800 VND; giá mua vào cũng lùi về 20.730 VND.

Đại diện một số ngân hàng thương mại cho VnEconomy biết, nguyên nhân trực tiếp nhất cho biến động hiện nay là nguồn cung ngoại tệ thương mại trên thị trường đã gia tăng đột biến.

Tham khảo tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở Hà Nội, lượng ngoại tệ mua chuyển khoản từ đầu tuần đến nay đã đạt gần 100 triệu USD, gấp tới khoảng 3 lần so với tuần liền trước. Đáng chú ý là sự đột biến của lượng ngoại tệ tiền mặt mua được, chủ yếu từ dân cư. Từ đầu tuần đến nay, ngân hàng này đã mua được tới 19 triệu USD; trong khi đó, tuần đầu tháng 3 vừa qua, con số VnEconomy tìm hiểu là chỉ quanh ở dưới 1 triệu USD.

Sự gia tăng chóng mặt của nguồn cung ngoại tệ thương mại cho thấy cả doanh nghiệp và người dân đang đẩy mạnh bán lại cho các ngân hàng. Điều này trực tiếp tạo áp lực đè tỷ giá USD/VND liên tục điều chỉnh. Và diễn biến trong ngày 22/4 này là đặc biệt nhất sau một thời gian dài căng thẳng nguồn cung và tỷ giá trên thị trường ngoại hối.

Như đề cập ở bản tin sáng nay, những chính sách gần đây của Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc siết chặt thị trường tự do, kết hối đối với các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước…, dòng vốn đã có sự dịch chuyển tích cực.

Phía sau sự dịch chuyển này, kỳ vọng đặt ra là lượng tiền gửi VND trong hệ thống ngân hàng sẽ cải thiện nhanh; thậm chí khi huy động VND thuận lợi, lãi suất có thể dần hạ nhiệt, ít nhất là giảm bớt tình trạng “thỏa thuận ngầm” lãi suất như trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, với chuyển động tích cực của nguồn cung, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại cũng sẽ được cải thiện. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hẹp giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ của các nhà băng, những trường hợp dương quá sẽ bán ra và tăng cung, qua đó có thể tiếp tục hạ nhiệt tỷ giá.

Tuy nhiên, những biến động trong ngắn hạn trên thị trường ngoại hối hiện nay chưa thể xoay chuyển được một cách nhanh chóng những bất cập mang tính lâu dài của nền kinh tế. Đó vẫn là tình trạng nhập siêu cao và đang có xu hướng gia tăng trở lại sau quý 1/2011.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland