Đối với ngành công nghiệp thép, việc đóng cửa một nhà máy luyện là quyết định khó khăn. Tuy nhiên, với việc hàng tồn kho lớn, tiêu thụ giảm khiến nhiều doanh nghiệp thép quyết định cắt giảm sản lượng sản xuất và nhân sự.

Trong cuộc họp với Chính phủ vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái.

Theo HoREA, việc kiểm soát thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu chặt chẽ nên các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án. Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỉ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khó khăn chồng chất, nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới…

Hoạt động thi công đình trệ, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng bị tác động mạnh. Bởi lẽ, xây dựng là ngành vô cùng quan trọng, tác động đến hàng trăm ngành hàng như sản xuất sắt, thép, xi măng.

Đối với ngành công nghiệp thép, việc đóng cửa một nhà máy luyện là quyết định khó khăn và mất khoảng 30-40 tỉ đồng để lò hoạt động bình thường trở lại

Không chỉ bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng đang phải hoạt động cầm chừng. Trước bối cảnh bán hàng khó khăn cùng lượng tồn kho còn nhiều, một số nhà máy thép trong nước buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất.

“Vua thép” dừng 4/7 lò cao

Trong một thông báo gửi các đối tác mới đây, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết sẽ tạm dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11.2022.

Đồng thời, doanh nghiệp đầu ngành thép này cũng cho biết thêm, đến đầu tháng 12 có thể phải dừng thêm 1 lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất.

Hòa Phát thông báo dừng 4/7 lò cao để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh

Tính đến thời điểm hiện tại, Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với tổng công suất trên 8 triệu tấn/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.

Phía Hòa Phát cho biết, lý do dừng hoạt động lò cao, cắt giảm sản lượng là biện pháp tốt nhất để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của tập đoàn. Động thái này được doanh nghiệp này nhận định "mang tính sống còn" trong bối cảnh thị trường thép đang rất khó khăn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi đầu năm, trước câu hỏi liệu rằng Hoà Phát có ý định giảm sản lượng không khi thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho rằng việc vận hành tối đa công suất vẫn là phương án tối ưu nhất.

“Hòa Phát có lợi thế là quy mô lớn, do đó việc hoạt động tối đa công suất vẫn là tốt nhất để tối ưu chi phí. Trong giai đoạn này, Hoà Phát vẫn phải sản xuất hết công suất và tăng cường công tác bán hàng”.

Như vậy, điều không mong muốn của “ông lớn” ngành thép cũng đã xảy trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa báo lỗ gần 1.800 tỉ đồng trong quý 3.2022 vừa qua.

Việc dừng hoạt động lò cao là một quyết định không dễ dàng với bất kỳ nhà sản xuất thép nào. Theo Hòa Phát, chi phí để khởi động lại lò cao sau khi tạm dừng hoạt động là khoảng 30-40 tỉ đồng/lò và mất khoảng 5-7 ngày để lò hoạt động bình thường trở lại.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng mối lo ngại chính trong thời gian tới là nhu cầu thép giảm nhanh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, hơn là bản thân việc đóng cửa lò cao.

Theo cập nhật mới nhất, Hòa Phát đã sản xuất được 567.000 tấn thép thô trong tháng 10.2022, của giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng HRC trong giai đoạn này đạt 492.000 tấn, giảm 42%.

Trong đó, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 10 giảm đáng kể xuống 210.000 tấn, giảm 55% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ tháng 3.2021. Mặc khác, thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.

Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ phôi thép, ống thép và thép mạ kẽm cũng giảm lần lượt 92%, 21% và 40% so với cùng kỳ, xuống lần lượt 15.000 tấn, 57.000 tấn và 27.000 tấn trong tháng 10.

Điểm sáng hiếm hoi trong giai đoạn này sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng HRC vẫn duy trì ở mức cao 269.000 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ.

Dừng chạy lò, cắt giảm nhân sự

Trong bối cảnh thị trường thép khó khăn như hiện nay, việc cắt giảm sản lượng là lựa chọn không dễ dàng, nhưng là lựa chọn tốt nhất để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Trên thức tế, Hòa Phát không phải là doanh nghiệp duy nhất thông báo đóng cửa lò cao vì thị trường thép xấu đi.

Trước đó, CTCP Thép Pomina có quyết định dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện trong tháng 9 vừa qua. Đồng thời, Pomina cũng thông báo buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ, công nhân viên của công ty do tình hình kinh doanh khó khăn, thua lỗ.

Tương tự, Công ty TNHH Thép Miền Nam - VNSteel cũng gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngừng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến 12.2022.

Được biết, quyết định này của Thép Miền Nam được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu thép xây dựng trên thị trường thế giới và nội địa đã suy yếu, các dự án đầu tư, bất động sản bị trì trệ và gặp nhiều khó khăn.

Đây là giai đoạn khó khăn với các doanh nghiệp ngành thép khi mà giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng giá bán trong nước lại liên tục giảm và giá thế giới cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép liên tiếp giảm. Trong tình cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu với mức độ trầm trọng, nhiều nhà máy thép buộc phải tạm dừng hoạt động.

Trên thế giới, với ngày càng nhiều nhà sản xuất thép châu Âu đang giảm bớt quy mô hoặc đóng cửa nhà máy sản xuất vì đà tăng mạnh của giá năng lượng.

Theo đó, một số cái tên gạo cội trong ngành thép đã bắt đầu thu hẹp sản xuất để tránh tổn thất. Có thể kể đến như Thyssen Krup hay Arcelor Mittal, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới.

Trước đó, nhà máy thép Aperam của Bỉ đã đóng cửa cơ sở ở Genk vào đầu tháng 8. Ngay sau đó, họ giảm sản lượng tại nhà máy Chatelet.

Gần đây hơn, công ty thép Acrinox của Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng và đưa khoảng 85% nhân viên vào làm việc thời vụ.

Theo ước tính, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm giảm công suất của các hãng thép châu Âu bớt 3 triệu tấn/năm.

Với việc các nhà máy thép châu Âu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, mối quan hệ giữa cung và cầu sẽ càng trở nên trầm trọng, điều này sẽ tác động mạnh đến giá thép trên toàn cầu.

  • Ba quả tạ ghìm chân “vua thép” Hòa Phát

    Ba quả tạ ghìm chân “vua thép” Hòa Phát

    Nhu cầu suy yếu, giá thép giảm mạnh, chi phí đầu vào lên cao, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh là những yếu tố tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh quý 3.2022 của ngành thép nói chung hay Hòa Phát nói riêng.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.