Những tín hiệu tích cực từ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến giữ vị trí cao nhất, đang mở ra những cơ hội sáng sủa cho bất động sản công nghiệp.

Khu công nghiệp Thăng Long, nơi có các doanh nghiệp FDI đang hoạt động hiệu quả

FDI liên tiếp lập kỷ lục

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, Việt Nam thu hút 26,69 tỷ USD vốn FDI, cùng 6,19 tỷ USD góp vốn, mua cổ phần, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài lên mức kỷ lục mới 35,88 tỷ USD.

Về lĩnh vực, trong năm qua, cả nước có 19 lĩnh vực thu hút vốn ngoại, trong đó dẫn đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn gần 15,88 tỷ USD, chiếm 44,24% tổng vốn đầu tư nước ngoài (trong đó FDI là 14,13 tỷ USD). Đứng thứ hai là sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với 8,37 tỷ USD đăng ký, chiếm 23,33%. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với 3,05 tỷ USD đăng ký, chiếm 8,5%.

Trong năm 2017, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư.

Bất động sản công nghiệp có sự gắn bó mật thiết với dòng vốn ngoại. Ảnh: Gia Huy

Về địa phương, TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 6,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư.

Thanh Hóa đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,17 tỷ USD chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư. Với việc cả hai lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản đều thuộc top hút vốn hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp đang sáng cửa.

Bệ phóng cho bất động sản công nghiệp

Theo ông Byron Patching, chuyên gia bất động sản khu công nghiệp XAct Solution, Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút vốn FDI. Nhiều doanh nghiệp mới, nhiều đơn vị, tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch đặt nhà máy, mở rộng nhà xưởng tại Việt Nam mang đến cơ hội phát triển tốt cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Đồng quan điểm, đại diện Savills Việt Nam cho biết: “Qua các khảo sát của chúng tôi, có đến 2/3 doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, sẽ mở rộng phạm vi, quy mô kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khi tiếp xúc với chúng tôi cũng cho biết, đang có xu hướng di chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Việt Nam, mở ra cơ hội to lớn cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong thời gian tới”.

Cũng theo Savill, nguồn vốn FDI có tác động nhiều đến hoạt động của các khu công nghiệp. Hiện có 325 khu công nghiệp trên toàn quốc, diện tích lên tới 94.900 ha. Các địa phương như TP.HCM, Bắc Ninh, Thanh Hóa đang dẫn đầu về thu hút đầu tư công nghiệp và cho thấy hiệu quả từ hoạt động này. Hay như Hà Nội cũng thu hút tốt các doanh nghiệp ngoại và quanh Thủ đô có nhiều khu công nghiệp có các doanh nghiệp FDI hoạt động.

Tại Hà Nội, theo quy hoạch đến năm 2020, nguồn cung bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng khoảng 132% với nguồn cung hiện tại (gồm 9 dự án, tương đương 2.360 ha).

Theo PGS.TS Vũ Thị Minh, Trường đại học Kinh tế quốc dân, thời gian tới, bất động sản công nghiệp được nhìn nhận như một kênh đầu tư hấp dẫn, giàu tiềm năng, đón sóng đầu tư từ các doanh nghiệp vốn FDI. Với sức cầu lớn, nguồn cung bất động sản công nghiệp cũng sẽ ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu.

Cũng chung nhận định, GS. Đặng Hùng Võ nhận xét: “Phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam có sức phát triển tốt và cũng chịu sự tác động của thị trường ít hơn các phân khúc khác của thị trường bất động sản”.

Thanh Huyền (Đầu Tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.