Thời gian gần đây, hiện tượng vàng SJC, một thương hiệu lớn trong nước bị làm giả khiến không ít người lo ngại. Trên thực tế, vàng không đúng chất lượng đã xuất hiện nhiều năm nay, có nghĩa là người dân đã bị "móc túi" mà không biết…

Phân biệt tuổi vàng có đơn giản?

Giao dịch tại Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC). Ảnh: Linh Tâm


Mặc dù tới cuối tháng 8, Công ty Vàng bạc đá quý SJC mới phát đi thông tin xuất hiện vàng SJC bị bào mòn, làm giả trên thị trường, nhưng tình trạng gian lận tuổi vàng đã tồn tại nhiều năm nay. Mỗi chỉ vàng thông thường bị gian lận khoảng 5%. Như vàng 99,99%, nếu bị gian lận thì chỉ còn 96-97%, thậm chí là 95%. Đối với vàng trang sức 18K, theo tiêu chuẩn, tỷ lệ vàng phải có 75%, nhưng nhiều cửa hàng đã "ăn bớt" bằng cách rút tỷ lệ xuống còn 60%, thậm chí có nơi chỉ đạt 45-50%; khi đó vàng 18K chỉ còn là 15-16K. Đại diện một DN kinh doanh vàng bạc ở Hà Nội cho biết, hiện tượng gian lận tuổi vàng xảy ra nhiều nhất đối với vàng tây. Những loại này thường có tỷ lệ vàng ta là 58,5-75%, còn lại là thành phần hợp kim được nấu chảy cùng với vàng. Giá bán vàng tây thông thường là 58,5-75% giá vàng ta cộng với giá của hợp kim, lượng vàng bị hao và tiền công chế tác. Khi chế tác, nhiều cửa hàng đã bớt nguyên liệu vàng ta để thu lợi.

Vấn đề là làm thế nào để người tiêu dùng có thể biết chính xác tuổi vàng? Thực tế, sau một thời gian sử dụng, vàng nữ trang như vàng trắng thường mất lớp si trắng bên ngoài, để lộ ra màu vàng đục, còn vàng tây thì bớt bóng và bị mờ. Song đấy là sau khi mua dùng, người dân mới phát hiện. Làm thế nào để kiểm tra chất lượng vàng ngay từ khâu mua thật không đơn giản.

Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình

Hiện, cả nước có khoảng 7.000-8.000 DN kinh doanh vàng, trong đó ngành vàng trang sức chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường, còn lại là vàng miếng. Trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng như hiện nay, nếu chỉ có một phần trong số hàng nghìn DN kinh doanh gian lận tuổi vàng thì mỗi năm số tiền người tiêu dùng bị "móc túi" là không nhỏ. Sự không minh bạch về tuổi vàng cũng sinh ra tình trạng người tiêu dùng mua ở đâu thì phải bán ở đó, nếu không muốn bị lỗ.

Các chuyên gia nhận định, tồn tại hiện nay là sự chồng chéo về quản lý giữa các cơ quan nhà nước đối với mặt hàng vàng. Trong khi đó đây là loại hàng hóa đặc biệt, khác hẳn với những loại hàng hóa thông thường khác. Hiện chưa có một chế tài cụ thể nào quy định về chất lượng vàng bán ra thị trường và người chịu thiệt hại vẫn là người tiêu dùng.

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định, Hiệp hội sẽ triển khai kế hoạch đóng dấu hợp chuẩn chất lượng để giảm bớt thiệt hại cho người tiêu dùng. Nếu sản phẩm của các DN trong Hiệp hội được đóng dấu chuẩn chất lượng, người tiêu dùng có thể bán vàng ở các cửa hàng của DN khác trong Hiệp hội mà vẫn bảo đảm giá trị, xóa bỏ tình trạng mua đâu bán đấy như hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian chờ các cơ quan chức năng có những giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng nêu trên, Hiệp hội khuyến cáo người dân nên mua vàng của những cơ sở có uy tín.
Cafeland.vn - Theo HNM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland