07/11/2015 9:48 PM
Sau những cú sốc trong năm 2015, liên tiếp có những dự báo đáng ngại về dài hạn cho tỉ giá USD. Điều này khiến cho những ai nắm giữ hay vay USD đều phải cảnh giác.

Đồng USD sẽ mạnh lên so với đồng tiền các nước khác.

Dưới áp lực biến động toàn cầu nằm ngoài dự kiến trong 2015 của USD đã gây không ít khó khăn cho các nhà quản lý. Sau những cú sốc, thị trường đã ổn định nhưng nằm trong một cuộc chơi toàn cầu nhiều ràng buộc thì những cảnh báo về USD tăng giá khiến chúng ta phải luôn cảnh giác.

Sau những cơn sóng

Sau hơn một tháng ổn định, thậm chí có lúc hạ nhiệt khá mạnh, trong hai phiên giao dịch 5-6/11, đồng USD có dấu hiệu tăng trở lại. Tới cuối ngày 6/11, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào và bán ra ở mức 22.330 đồng (mua) và 22.410 đồng (bán).

Tính chung 2 ngày qua, USD tại các NH đã tăng khoảng 50-60 đồng. Trong khi đó, trên thị trường tự do, USD tăng tổng cộng khoảng 85-90 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra lên 22.415 và 22.435 đồng/USD.

Với diễn biến trong 2 phiên cuối tuần, nhiều người lo ngại, tỷ giá USD/VND rơi vào một đợt căng thẳng mới chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố tâm lý dưới tác động thông tin trên thị trường quốc tế. Lo ngại này xuất hiện sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen phát đi tín hiệu không từ bỏ khả năng nâng lãi suất đồng USD ngay trong năm nay bất chấp lạm phát Mỹ liên tục ở dưới mức mục tiêu của Fed. Đồng USD liên tục tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt như yen Nhật, euro, bảng Anh…

Hồi giữa tháng 9, USD cũng nóng lên trước thềm cuộc họp tương tự của Fed về lãi suất trong bối cảnh kinh tế Mỹ khi đó tăng trưởng tốt hơn dự báo. Trong đợt này, USD tăng 50-80 đồng.

Cơn sốt cao độ và kéo dài nhất là trong 2 tuần từ gần giữa tháng 8 khi Trung Quốc quyết định phá giá đồng NDT. Cho dù có 2 lần nới biên độ, mỗi lần 1% (vào 12/8 và 19/8) và một lần tăng tỷ giá (1% hôm 19/8), giá USD trên thị trường NH đồng loạt đứng chặt ở mức kịch trần 22.547 đồng (bán) trong phiên ngày 25-26/8. Trên thị tự do, USD có nơi lên tới 22.950 đồng/USD (chiều bán). Đợt sốt nóng này, USD đã tăng tổng cộng 1.000-1.100 đồng.

Trước đó, USD cũng đã chứng kiến một số đợt sốt nóng so với VND, như hồi đầu tháng 7, đầu tháng 5, giữa tháng 3 và đầu tháng 1 do chịu áp lực từ nhập siêu và khả năng tăng lãi suất của Fed. Kết quả của sự căng thẳng là 2 đợt tăng tỷ giá liên NH (1% hôm 7/1 và 1% hôm 7/5).

USD lên 24.000 đồng?

Trong đợt sốt lần này cho dù không quá nóng như các lần trước nhưng giới kinh doanh và nhà quản lý không thể mất cảnh giác. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là: USD trên thế giới vẫn liên tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt sau phát biểu khá chắc chắn của Chủ tịch Fed. Đồng USD đã tăng hơn 1% so với yen trong hai phiên qua, tăng 1,2% so với bảng Anh và tăng thêm 0,2% so với euro.

Việc Fed tăng lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, chấm dứt 6 năm áp dụng lãi suất gần bằng 0%, có lẽ là một diễn bình thường, hợp lý. Fed sẽ không còn nuông chiều, chấm dứt bơm vá nền kinh tế Mỹ khi mà nền kinh tế này đã phục hồi.

Nếu đúng như vậy, khả năng Fed tăng lãi suất là khá lớn. Đồng USD sẽ mạnh lên so với đồng tiền các nước khác. Với Việt Nam, sức ép đối với đồng VND cũng rất lớn.

Trong một báo cáo gần đây, các chuyên gia kinh tế HSBC dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ lên mức 22.800 đồng cuối 2015 và trong năm 2016 sẽ đạt mức 23.300 đồng/USD, trong khi đó Ngân hàng ANZ cho rằng, đồng USD có thể lên tới mốc 23.900 đồng trong quý IV/2016 và lên 24.000 đồng trong quý I/2017.

Ông Glenn B. Maguire - Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu Vực Nam Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương của ANZ cho rằng, trong vòng 12 tháng tới, Việt Nam có thể có 2 lần phá giá nữa và biên độ tiếp tục được nới rộng ra. Thời điểm sẽ được NHNN lựa chọn phù hợp.

CTCK TP.HCM (HSC) cho rằng, tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh 3-4% trong 2016 bởi nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất mà không chờ lạm phát tăng lên tới mức mục tiêu của NHTW nước Mỹ này.

Đánh giá về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015 và sắp tới là trong 2016 là đúng đắn và cần thiết bởi Việt Nam không thể có tất cả cùng một lúc, không thể cùng lúc tăng trưởng kinh tế cao, giữ được dự trữ ngoại hối tương đối, đón FDI nhiều và thúc đẩy thương mại phát triển.

Trên thực tế, đồng USD đang mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền khác. So với các nước trong khu vực và cả trên thế giới, đồng VND khá ổn định. Các đồng tiền như baht của Thái Lan, ringgit của Malaysia, kyat của Myanmar… đều giảm từ 5-20%.

Kinh tế Việt Nam được dự báo là điểm sáng hiếm hoi, cùng với Ấn Độ và Philippines, trong bức tranh ảm đạm của hầu hết cá nền kinh tế mới nổi. Tăng trưởng GDP được nhiều tổ chức dự báo đạt khoảng 6,8% trong năm 2015 và 6,9% trong năm 2016. Lạm phát ở mức thấp. FDI vẫn mạnh và sẽ làm tăng năng suất trong dài hạn. Thâm hụt cán cân vãng lai không thực sự đáng lo ngại.

M.Hà (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.