12/06/2012 10:10 PM
Thị trường bất động sản khu vực phía Nam Hà Nội đang có những dấu hiệu rõ ràng hơn, với sự xuất hiện của những dự án bất động sản mới, trong khi các dự án cũ rốt ráo triển khai.

Cuối tuần qua, Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu đã chính thức công bố làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Đại Thanh (huyện Thanh Trì), sau khi mua lại dự án này từ một đơn vị khác. Dự án có quy mô 17 ha, đã cơ bản hoàn thành việc san lấp mặt bằng và đang trong quá trình xây dựng hạ tầng. Dự kiến, những khu nhà chung cư đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2016, với mức giá khá “mềm”, chỉ khoảng 14 triệu đồng/m2.

Trước đó, từ đầu năm 2012, khu vực Nam Hà Nội đã khá sôi động với sự xuất hiện của những dự án mới, như Khu chung cư Nam Đô Complex của Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (số 609 - Trương Định, quận Hoàng Mai), Khu chung cư Hoà Bình Green City của Công ty cổ phần Nông sản Agrexim và Công ty TNHH Hoà Bình (số 505 - Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), Khu chung cư Skylight (số 125D - Minh Khai của Tổng công ty Cơ khí xây dựng Coma, quận Hai Bà Trưng)…

Theo ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam, khu vực phía Nam Hà Nội, nhất là quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng – chỉ cách trung tâm Hà Nội 5 – 6 km, nên tiềm năng đầu tư bất động sản rất lớn. Khu vực này cũng là đầu mối giao thông của hệ thống đường vành đai 3, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1B, nên việc di chuyển đến các nơi trong Thành phố rất thuận tiện, trong khi vẫn bảo đảm sự yên tĩnh cho người cư dân.

“Trong khi rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư ào ạt vào khu vực phía Tây, thì chúng tôi lại có một tầm nhìn khác, hướng vào vùng đất phía Nam Hà Nội - nơi chúng tôi thấy trước nhiều tiềm năng phát triển”, ông Cheong Ho Kuan nói.

Mấu chốt cho sự phát triển của các dự án khu vực phía Nam Hà Nội là việc cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Các dự án cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu cạn Pháp Vân đã nối liền khu vực phía Nam với khu vực trung tâm, rút ngắn khoảng cách từ phía Đông sang phía Tây, kết nối mạng lưới hạ tầng của các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì với phần còn lại của Thủ đô.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực này đã tạo động lực mạnh mẽ để Tập đoàn Gamuda (Malaysia) triển khai Dự án Khu đô thị sinh thái Gamuda City rộng gần 500 ha. Trong khuôn khổ dự án này, Gamuda cũng đầu tư 400 triệu USD xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, biến vùng đất trũng, chứa nhiều nước thải của Hà Nội thành vùng đất xanh và sạch.

Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup đã khánh thành Dự án Bệnh viện Đa khoa tiêu chuẩn quốc tế Vinmec trong khuôn khổ Khu đô thị Times City (số 458 – 460 Minh Khai), khiến khu vực phía Nam Hà Nội có sức hút mạnh mẽ hơn với giới đầu tư địa ốc. Nếu không có gì thay đổi, toàn bộ dự án quy mô 3,6 ha này với các hạng mục: căn hộ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… sẽ được hoàn thành trong năm 2013.

Một điểm hấp dẫn khác của khu vực phía Nam Hà Nội là mức giá bán căn hộ mà các chủ đầu tư đưa ra khá hấp dẫn. Hiện tại, mức giá căn hộ chung cư trong khu vực này chỉ dao động từ 14 đến 17 triệu đồng/m2 với các dự án bình dân và từ 22 đến 28 triệu đồng/m2 tại các dự án căn hộ cao cấp. Đây là mặt bằng giá hấp dẫn, phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người mua nhà để ở và có khả năng sinh lời cho các nhà đầu tư địa ốc trong tương lai.
Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.