Theo các cư dân này, nhiều thang máy ở chung cư cao 15 tầng đang hư hỏng nghiêm trọng, đe dọa đến an nguy tính mạng của họ. Đặc biệt, hai thang máy ở block D đã bị “liệt” từ thứ 7, kéo dài đến nay khiến cư dân, đặc biệt những cụ già, trẻ con và bà bầu phải lết bộ từ các căn hộ tầng 14, 15 xuống đất và ngược lại.
Trong buổi sáng 21-4, một phụ nữ ở tầng 14 khi vừa bước từ thang bộ ra ngoài thì nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng vì đau, do chân của người này bị va chạm, băng bột vừa mới tháo.
Trước sự việc này, nhiều cư dân cho rằng Công ty 584 đã chạy trốn trách nhiệm sửa chữa thang máy nên rất bức xúc và kéo nhau xuống vây lấy trụ sở công ty. Trong số các biểu ngữ, cư dân yêu cầu Công ty 584 phải có trách nhiệm sửa chữa thang máy, đặc biệt có biểu ngữ còn yêu cầu Công ty 584 dọn ra khỏi tòa nhà.
Dù vậy cư dân phản ứng trong ôn hòa nên lực lượng công an, dân phòng… địa phương có mặt ghi nhận sự việc và ngăn ngừa những xung đột có thể xảy ra chứ không ngăn cản hay đưa ra yêu cầu buộc người dân người chấm dứt những hành động trên.
Trong khi đó, phía chủ đầu tư không có người ra tiếp chuyện, giải thích cho cư dân.
Cư dân giăng biểu ngữ vây lấy trụ sở chủ đầu tư. Ảnh: Người dân cung cấp.
Phản ứng một lúc lâu nhưng đại diện chủ đầu tư không ra mặt, nhiều cư dân mệt mỏi ngồi nghỉ. Ảnh: Người dân cung cấp.
Công an, dân phòng… địa phương nhiều lần phải có mặt để ngăn ngừa xung đột ở chung cư này. Ảnh: Người dân cung cấp.
Trao đổi với PV về tranh chấp kéo dài dai dẳng ở đây, ông Lê Tấn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty 584 nhìn nhận, có việc chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư. Do vậy, hiện ở chung cư này đang tồn tại hai lực lượng bảo vệ, hai lực lượng giữ xe, gồm phía chủ đầu tư và cư dân. Từ đây có những sự việc “lùm xùm” đáng tiếc xảy ra.
“Tôi mới về tiếp quản Công ty 584 và mong muốn nhanh chóng giải quyết ổn thỏa, nhằm phục vụ đời sống người dân tốt hơn. Trong đó quan trọng nhất là việc sửa chữa các thang máy đảm bảo an toàn. Cuối tuần rồi, chúng tôi có thuê đơn vị sửa chữa thang máy đến khắc phục hư hỏng nhưng Ban quản trị chung cư (BQT) không cho vào nên không thể sửa chữa. Công ty Thiên Nam đưa ra giá sửa thang máy cao quá, đến gần 600 triệu đồng nên chúng tôi mời đơn vị khác. Nếu BQT cứ không hợp tác, chúng tôi sẽ đề nghị cư dân bầu lại BQT mới”- ông Hòa nói.
Ngược lại, bà Võ Thị Hồng Nga, Phó Ban quản trị đưa ra một biên bản thỏa thuận (có sự chứng kiến của địa phương) giữa BQT và Công ty 584 và nói: “Đây, họ đã đồng ý ký tên vào biên bản, nói rằng sẽ thống nhất mời Công ty Thiên Nam sửa chữa thang máy nhưng sau này lại thuê đơn vị khác. Chúng tôi không đồng tình vì họ làm vậy là phá vỡ các nguyên tắc đã thỏa thuận trước đây”.
Nhưng liệu BQT có quá cứng nhắc và điều này gây chậm trễ việc sửa thang máy, gây ảnh hưởng đến cư dân? Bà Nga cho rằng đòi hỏi này là cần thiết. Bởi trước đây Công ty 584 cũng vì “tiết kiệm” đã không thuê Công ty Thiên Nam là đại diện của nhà sản xuất thang máy tại Việt Nam trong việc bảo hành sửa chữa, nên chỉ một thời gian toàn bộ tám thang máy ở chung cư xuống cấp nghiêm trọng. “Nhiều thiết bị họ thay vào không tương thích và điều này đã dẫn đến các hư hỏng cho các thang máy như hiện nay. Các thang máy đang trong tình trạng không an toàn và chúng tôi không tin tưởng giao trước việc đơn vị khác sửa thang máy” - bà Nga nói.