Dù chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá điện, xăng dầu, thì CPI hai tháng đầu năm đã tăng 3,83%. Chỉ số CPI tăng một phần do việc điều chỉnh tỷ giá đô la, nhưng cơ bản là do những yếu kém từ lâu của nền kinh tế như hiệu quả đầu tư rất thấp, tình trạng bội chi ngân sách, thâm hụt thượng mại,…

alt

Chỉ số CPI tháng 3/2011 ước tăng 2,2%. Ảnh: Nguồn internet

Biến động chỉ số giá tiêu dùng

Tháng 1/2011, chỉ số CPI tăng ở mức 1,74%, đây là con số không đáng ngạc nhiên bởi cũng tương quan với cùng kỳ năm trước. Bước sang tháng 2/2011, chỉ số CPI tăng 2,09%, tổng cộng CPI hai tháng đầu năm tăng 3,83%. Trong khi đó, chỉ tiêu Quốc hội đề ra chỉ có 7% trong năm 2011.

Mới đây, báo cáo của Chính phủ nhìn nhận, tình hình giá cả tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm, ước tính chỉ số giá CPI tháng 3/2011 tăng khoảng 2,2% so với tháng trước. Theo đó, chỉ số giá CPI quý I/2011 tăng khoảng 12,8% so với cùng kỳ năm 2010. Như vậy, chỉ số giá CPI 3/2011 ước đạt mức tăng cao nhất trong vòng 33 tháng qua, tính từ tháng 6/2008. So với tháng 3 của 15 năm gần đây, CPI tháng này chỉ còn thấp hơn mức tăng 2,99% của tháng 3/2008.

Bên cạnh việc gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Tân Mão, thì tăng lãi suất tín dụng, tăng tỷ giá ngoại tệ, tiếp tục tăng giá điện, than, xăng dầu,… vừa làm tăng chi phí đầu vào, vừa gây yếu tố tâm lý đẩy giá cả thị trường lên cao hơn.

Theo TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả Bộ Tài chính, năm 2008, “khi giá dầu lập kỷ lục và giá xăng cũng điều chỉnh tăng kỷ lục 4.500 VND/lít đã tạo ra cú sốc cho thị trường. Theo suy luận thì CPI sẽ tăng mạnh do cả lạm phát chi phí đẩy và lạm phát do tâm lý nhưng thực tế thì CPI tháng 8 chỉ tăng 1,56 %. Cao hơn mức 1,13% của tháng 7 song lại thấp hơn mức tăng 2,14% của tháng 6/2008 khi giá xăng A92 vẫn đang được giữ ở mức 14.500 VND/lít.

Kể từ tháng 9/2008, khi giá xăng được điều chỉnh xuống 17.000 VND/lít thì CPI chỉ tăng 0,18%, sau đó 3 tháng liên tiếp CPI âm đi đôi với 8 lần liên tiếp giảm giá xăng dầu theo xu thế giảm chung của thế giới.

Do vậy mối lo ngại tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo tăng CPI và lạm phát là hoàn toàn logic vì xăng dầu là đầu vào cho tuyệt đại bộ phận các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, việc tính toán định lượng tác động của tăng giá xăng dầu tới CPI và lạm phát rất phức tạp, chưa cho ra những kết quả thật sự thuyết phục và chính xác trong thực tế”. (Nguồn Cafef)

Hiện nay rổ hàng hóa tính CPI vẫn dẫn dắt bởi nhóm lương thực thực phẩm, chiếm tỷ trọng khoảng 40%. Vì thế để CPI tăng mạnh trong thời gian tới vẫn sẽ là sự tăng giá của nhóm lương thực thực phẩm. Đây cũng là yếu tố cần chú ý vì nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế thì năm 2011 sẽ có căng thẳng về lương thực thực phẩm trên phạm vi toàn cầu.

Theo TS. Ánh, chỉ số CPI thời gian tới tăng do hai nguyên nhân: “Thứ nhất là việc mất mùa ở nhiều quốc gia do sự bất thường của khí hậu. Thứ 2 là việc Hoa Kỳ liên tục tăng cung đồng USD khiến USD mất giá, điều kiện cho giá hàng hóa tăng lên”.

Dù chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá điện, xăng dầu, thì CPI hai tháng đầu năm đã tăng 3,87% so với tháng 12/2010. Chỉ số CPI tăng một phần do việc điều chỉnh tỷ giá đô la, nhưng cơ bản là do những yếu kém từ lâu của nền kinh tế như hiệu quả đầu tư rất thấp, tình trạng bội chi ngân sách, thâm hụt thượng mại,…

Xét về mặt khả năng tích lũy nội bộ kinh tế, năm 2006, tỷ lệ để dành trên GDP khoảng 36%, đến năm 2010 tỷ lệ này giảm xuống còn 29,5%, trong khi đó tỷ lệ đầu tư GDP luôn ở mức cao trên 40%.

Mặt khác, dưới tác động từ việc điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, điện,… sẽ dẫn tới những tác động cộng hưởng có thể làm CPI trong những tháng tới có thể tăng lên 3 – 4%. Như vậy, trước những con số này đã làm dấy lên nỗi lo về chỉ số lạm phát cả năm 2011 không những vượt chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra mà có thể lên đến hai chữ số.

alt

Diễn biến giá tiêu dùng trong năm 2010 (số liệu từ Tổng cục Thống kê) . Ảnh: Nguồn VNE

Bắt mạch lạm phát

Lạm phát là một trong bốn yếu tố quan trọng nhất của mọi quốc gia. Tình hình lạm phát hiện nay ở Việt Nam lên tới mức báo động là 2 con số, vượt qua ngưỡng lạm phát cho phép tối đa là 9%.

Nguồn gốc lạm phát tại Việt Nam bắt đầu từ chiến lược tăng trưởng chạy theo số lượng từ những năm 2000 đến 2008. Đỉnh điểm đến vào năm 2008 với lạm phát 28%. Và lạm phát năm 2010, được xem là mối nhân quả giai đoạn 2000-2008.

Nhiều chuyên gia nói rằng, lạm phát ở Việt Nam không thể giải quyết bằng các tài liệu, kho sách hay áp dụng những chiến lược có sẵn từ thế giới mà cần phải chỉ ra đúng bệnh mới mong chữa khỏi bệnh. Nhìn từ góc độ kinh tế, sự gia tăng lạm phát từ nhiều nguyên nhân:

Trước hết, việc đầu tư không hiệu quả, kéo dài, thất thoát lớn do tham nhũng, lãng phí đã khiến chỉ số sử dụng vốn (ICOR) của khu vực quốc doanh lên đến hơn 8. Hàng loạt công trình dở dang ngổn ngang ở các tỉnh, thành, bộ ngành, các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế,… đã để lại hậu quả nặng nề, trong đó có lạm phát.

Thứ hai, lưu lượng tiền mặt, tiền tiết kiệm, giá trị trái phiếu…trong lưu thông nhiều hơn số lượng cần thiết. Sự mất cân đối kinh tế xuất phát từ việc cầu lớn hơn cung, dẫn đến sự gia tăng chung về giá của các mặt hàng tiêu dùng.

Thứ ba, sự mất giá liên tiếp của đồng tiền trong thời kỳ không có lạm phát, do việc ngân hàng trung ương giảm lãi suất để kích cung thông qua việc kích thích sản xuất.

Thứ tư, mức độ hội nhập kinh tế ngày càng lớn đưa đến sự gia tăng lạm phát ở các nước có tỷ trọng nhập khẩu cao một khi giá cả tăng ở các nước xuất khẩu. Ngoài ra, việc khó kiểm soát các nguồn ngoại tệ trên cơ sở chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi cũng là nguyên nhân.

Trước sự biến động phức tạp của nền kinh tế, sự bất ổn chính trị thế giới, giá dầu mỏ, lương thực đang tăng cao,… thị trường trong nước đang hứng chịu nhiều thử thách dồn dập, khiến nhiều người băn khoăn không rõ mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay sẽ ra sao trước những áp lực nặng nề?

Do đó, sự công khai minh bạch chính sách là điều cần thiết, tạo yếu tố tâm lý cho người dân thấy được những khó khăn khi thực hiện chính sách mà họ sẽ gặp phải. Đồng thời cũng cho họ thấy được mặt tích cực của chính sách.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, năm 2011 tình hình biến động giá cả khó lường. Bối cảnh biến động giá năm nay sẽ chịu nhiều tác động từ giá thế giới. Các cảnh báo về khả năng khủng hoảng của lương thực, tình hình kinh tế chính trị bất ổn là những yếu tố khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu có xu hướng tăng. Vì vậy thay vì cố gắng dự đoán sự tăng giảm bao nhiêu, thời điểm nào thì doanh nghiệp nên xây dựng các kịch bản với những khả năng khác nhau để đối phó chủ động. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp phòng vệ để đảm bảo ổn định giá thành sản xuất. Ví dụ sử dụng bảo hiểm tỷ giá, các hợp đồng tương lai…

CafeLand cho rằng, đầu tư không hiệu quả làm nền kinh tế mất sức cạnh tranh và lạm phát. Do đó, trước những biến động phức tạp của thị trường, các doanh nghiệp không nên rộng đầu tư mà chỉ đầu tư vào các dự án đã triển khai hoặc đầu tư chuyên sâu vào dây chuyền tạo ra giá trị thêm cho sản phẩm.

tag: cpi va lam phat

Thu Thảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland