Ảnh minh họa.
Theo đó, nhóm hàng tăng cao nhất là ăn và dịch vụ ăn uống với 0,32%, trong đó thực phẩm tăng cao lên đến 0,58%, lương thực tăng 0,24%, còn ăn uống ngoài gia đình không biến động so với tháng trước. Các nhóm hàng tăng tiếp theo lần lượt là: hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,17%; may mặc, mũ nón, giày dép (0,10%); đồ uống và thuốc lá (0,05%); giáo dục (0,01%).
Một trong những nguyên nhân khiến chỉ số CPI của thành phố tăng trong tháng 8 là do giá thực phẩm tăng, khiến giá các dịch vụ ăn uống, ẩm thực cũng tăng lên trong tháng này.
Đại diện Cục Thống kê thành phố cho biết: Bên cạnh những nhóm hàng tăng, trong tháng này có 4 nhóm hàng giảm giá là nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,15%; giao thông giảm 0,02%; văn hoá và giải trí giảm 0,01%. Riêng nhóm dược phẩm và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông không biến động so với tháng 7/2014. Mức giảm của các nhóm hàng này chủ yếu do tác động của việc giá xăng giảm 2 lần liên tiếp trong tháng, đồng thời các nhóm sản phẩm giáo dục đã qua thời gian cao điểm mua sắm nên nhiều đơn vị kinh doanh thực hiện chương trình giảm giá.
Như vậy, so với tháng 8/2013, CPI Tp.HCM tăng 5,2%; đồng thời so với tháng 12/2013 tăng 1,27%; bình quân 8 tháng tăng 4,93% so với cùng kỳ năm 2013. Bình quân mỗi tháng từ đầu năm đến nay CPI tăng 0,16%.
Ngược chiều với CPI, chỉ số giá vàng trong tháng 8 có mức giảm 0,27%, chỉ số giá USD cũng có mức giảm 0,37%.