11/06/2020 1:05 PM
Các nhà điều hành trung tâm thương mại ở vùng Vịnh đang tìm cách trì hoãn các dự án mới vì đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giá dầu thấp cũng là một yếu tố thúc đẩy dịch vụ bán lẻ tại những trung tâm thương mại lớn.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Majid Al Futtaim (MAF), nhà điều hành trung tâm mua sắm lớn nhất ở Trung Đông, cho biết họ sẽ trì hoãn việc ra mắt chi nhánh thứ 5 tại Oman khi nhiều nhà bán lẻ đang gặp khó khăn với dòng tiền của mình. Dự án trung tâm thương mại của MAF tại Oman có diện tích dự kiến lên tới 145.000m2.

Tại Dubai, Emaar Malls, chủ đầu tư và nhà vận hành của trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới Dubai Mall cũng đã tạm dừng thi công hai dự án. Nhiều nguồn tin thân cận cho biết các dự án của Emaar Malls thậm chí bị trì hoãn tới tháng 10 năm sau.

Các trung tâm thương mại lớn với hệ thống tiện ích phong phú và sang trọng là một trong những điểm nổi bật của các quốc gia vùng Vịnh nói chung và thị trường bất động sản tại nơi đây nói riêng.

Dân số ngày càng tăng và lượng khách du lịch luôn được duy trì ở mức ổn định đã khiến số lượng dự án tại các quốc gia này tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Năm ngoái, Alpen Capital, một công ty tư vấn tài chính có trụ sở tại Nam Á, đã dự báo lĩnh vực bán lẻ tại các quốc gia ở vùng Vịnh sẽ tăng từ 253 tỉ USD năm 2018 lên 308 tỉ USD vào năm 2023.

Bán lẻ gặp khó khăn

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều thứ trong thời gian ngắn.

Các nhà bán lẻ là một trong những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do virus corona gây ra. Tại trung tâm mua sắm Mall of the Emirates của Dubai vào tuần trước, một số mặt bằng thậm chí đã phải treo biển cho để tìm kiếm người thuê.

EFG Hermes, một công ty dịch vụt tài chính dự báo doanh số bán hàng tại các cửa hàng Dubai sẽ giảm 20% trong năm 2020 nếu quốc gia này chưa thể đón khách du lịch vào quý 3. Con số này có thể còn tăng lên 40% nếu thời gian cho phép mở cửa diễn ra chậm hơn.

MAF, nơi điều hành 27 trung tâm thương mại lớn trên khắp Trung Đông, cho biết các nhà bán lẻ tại nơi đây không tin vào sự phục hồi nhanh chóng trong thời gian 18-24 tháng tới. “Tất cả đều đang gặp khó khăn. Họ đang tập trung vào các vấn đề thanh khoản”, ông Alain Bejjani, giám đốc điều hành của MAF nói.

Ông cũng cho rằng các tác động đã được cảm nhận, từ các nhà bán lẻ cho đến các công ty trong chuỗi cung ứng của họ. “Một số công ty sẽ thậm chí sẽ rút lui khỏi thị trường trong năm nay”, ông nói thêm

Theo Reuters, tập đoàn Alshaya của Kuwait, nhà điều hành nhượng quyền thương mại lớn nhất vùng Vịnh với các thương hiệu nổi tiếng bao gồm Starbucks, Pottery Barn và The Cheesecake Factory đã đăng tải một video lưu hành nội bộ về viễn cảnh khó khăn trong năm 2020.

Giám đốc điều hành John Hadden cho biết: “Hiện tại, chưa đến 5% số lượng cửa hàng của chúng tôi được phép mở cửa. Doanh thu của chúng tôi đã giảm 95%, trong khi chi phí để vận hành vẫn phải giữ nguyên. Điều này sẽ khiến bất kỳ doanh nghiệp nào trên thế giới sụp đổ”.

Chuyển sang kinh doanh trực tuyến

Việc các nhà bán lẻ chậm trễ trong việc chuyển đổi hình thức sang bán hàng trực tuyến cũng là một vấn đề không hề nhỏ.

Mặc dù các trung tâm đã mở cửa trở lại vào tháng trước tại hai thị trường lớn nhất của khu vực vùng Vịnh là Ả Rập Saudi và UAE, nhiều khách hàng vẫn lo lắng về đại dịch Covid-19.

“Tôi chỉ ngắm các món đồ từ xa. Tôi không thể tiến lại gần và chạm vào bất cứ thứ gì”, bà Sahima ở Riyadh, một khách hàng cho biết.

Trong khi đó, giám đốc điều hành của một tập đoàn thời trang lớn cho biết 96% doanh thu của công ty đến từ các trung tâm thương mại lớn, so với chỉ 4% từ thị trường thương mại điện tử.

“Để có được doanh thu tốt từ thị trường thương mại điện tử tại vùng Vịnh trong vòng 20 năm tới là rất khó”, vị giám đốc này cho biết.

Theo dữ liệu của Boston Consulting Group, doanh số bán hàng trực tuyến ở Ả Rập Saudi và UAE chỉ chiếm lần lượt là 0,8% và 1,5% trong năm 2018. Con số này hoàn toàn trái ngược với thị trường Mỹ.

Nhiều nhà điều hành trung tâm thương mại đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ các nhà bán lẻ nhằm giúp họ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Cụ thể, MAF đã đưa một số sản phẩm lên trang thương mại điện tử Carrefour. Trong khi đó, Emaar Malls đã giúp những người thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại ở Dubai được đăng các sản phẩm lên trang web thương mại điện tử Namshi.

“Thị trường thương mại điện tử tại đây rất khó để cạnh tranh với những trung tâm mua sắm lớn bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, vì đại dịch mà mọi thứ có thể sẽ thay đổi”, Rabih Khoury, một đối tác của tập đoàn Middle East Venture Partners có trụ sở tại Dubai, cho biết. “Với sự phát triển của xã hội hiện nay, nếu bạn không sử dụng công nghệ trong kinh doanh, bạn sẽ tự đánh mất cơ hội của mình”.

Anh Nguyễn (The Business Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.