Công suất dư thừa lớn trong khi thị trường xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa đều giảm sức mua, các doanh nghiệp trong ngành xi măng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, không ít nhà máy tạm dừng lò hoặc giảm sản lượng.

Doanh nghiệp xi măng chưa hết khó

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng các doanh nghiệp xi măng sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả thua lỗ trong quý 4/2023 do sản lượng tiêu thụ suy yếu và chi phí đầu vào duy trì ở mức cao.

Xi măng Hà Tiên ước lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng trong năm 2023

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), năng lực sản xuất xi măng năm 2023 của Việt Nam đạt hơn 120 triệu tấn, nếu điều chỉnh tỷ lệ phụ gia thì khả năng sản xuất sẽ lên tới 140 triệu tấn. Trong khi đó, mức tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn.

11 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ xi măng của Việt Nam đạt 80 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ trong nước giảm 10% và xuất khẩu đi ngang so với cùng kỳ.

Nhu cầu trong nước giảm do ngành bất động sản chưa có nhiều khởi sắc, đặc biệt là xây dựng dân dụng chưa có dấu hiệu phục hồi trong quý 4/2023. Ngoài ra, nguồn cung trong nước gần đây đã mở rộng, cụ thể, công suất xi măng tăng 4,5% so với cùng kỳ trong năm 2022 và tăng 6,1% trong năm nay dẫn đến cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường nội địa và giá xi măng giảm.

SSI cho biết, hiện một số nhà sản xuất xi măng trong nước đã ngừng vận hành lò trong nửa cuối năm 2023, đây là một tín hiệu đáng chú ý về điều kiện thị trường suy yếu hiện tại.

Bán hàng xi măng giảm sút mạnh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ.

Đơn cử, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) - doanh nghiệp xi măng lớn nhất khu vực miền Nam ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 3/2023 giảm 30% so với cùng kỳ, xuống 1.576 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế hơn 10 tỷ đồng và đây là quý báo lỗ thứ 2 trong năm 2023 của Xi măng Hà Tiên.

Lũy kế 9 tháng năm nay, Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.265 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước và lỗ hơn 37 tỷ đồng. Trong khi, cùng kỳ năm 2022, ông lớn ngành xi măng này báo lãi hơn 203 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn này đạt 3,9 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ.

Cho cả năm 2023, SSI kỳ vọng doanh thu thuần của Xi măng Hà Tiên sẽ đạt 6.900 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ở mức 5 tỷ đồng, giảm tới 94% do nhu cầu của ngành xây dựng yếu hơn dự kiến.

Kỳ vọng tiêu thụ tăng nhờ cao tốc, sân bay

Bước sang năm 2024, SSI dự báo mức tiêu thụ xi măng trong quý đầu năm sau sẽ ở mức thấp nhất kể từ quý 3/2021 do yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết) và nhu cầu vẫn tiếp tục giảm. Tuy nhiên, các dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành và cao tốc có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu yếu trong năm 2024.

SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ xi măng có thể cải thiện so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2024, một phần nhờ mức nền thấp được thiết lập trong nửa cuối năm 2023.

Kỳ vọng tiêu thụ xi măng được cải thiện nhờ cao tốc, sân bay

Để giúp ngành xi măng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.

Ngoài, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên cả nước. Khi các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình khởi sắc sẽ gia tăng nhu cầu về các nguyên vật liệu xây dựng.

Về mặt chính sách thuế, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% và tạm giữ mức thuế suất xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm. Điều này kỳ vọng giúp doanh nghiệp tiêu thụ xi măng trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm clinker xuất khẩu, theo hướng sản xuất clinker xuất khẩu không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng.

Trước mắt, các doanh nghiệp xi măng nên tìm cách phát triển sản phẩm mới và cải tiến để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm thu hút được nhiều khách hàng hơn, tăng doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, việc tìm mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, bao gồm cả thị trường xuất khẩu cũng là một trong những giải pháp quan trọng.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.