CafeLand - Các bên cho vay, nhà đầu tư và cổ đông đang gây áp lực ngày càng tăng lên các doanh nghiệp xây dựng trên toàn cầu để giảm lượng khí thải trong quá trình phát triển nhà ở.

Các nguyên tắc về môi trường và bền vững hiện đóng vai trò ngày càng then chốt trong các quyết định đầu tư, nhờ sự thay đổi thái độ mạnh mẽ của các bên liên quan và một phần được thúc đẩy bởi Covid-19. Ngày càng có nhiều áp lực buộc phải giảm lượng khí thải carbon từ mọi góc độ, bao gồm từ nhà đầu tư, các bên cho vay, cổ đông và chính phủ.

Hiện có đến 30% cổ đông của các công ty xây dựng nhà ở lớn tại Anh áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG. Đây là bộ tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị dùng trong đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp trước khi rót vốn đầu tư. Vì vậy, các công ty xây dựng sẽ cần phải triển khai và nâng cao các chiến lược môi trường trong suốt quá trình phát triển dự án, đồng thời theo dõi sát sao và có báo cáo tiến độ cụ thể về vấn đề này.

Môi trường chính sách và pháp luật nghiêm ngặt hơn

Tính bền vững và giảm phát thải khí carbon ngày càng trở nên quan trọng. Chúng ảnh hưởng lớn đến chính sách của chính phủ, các quyết định tài chính và đầu tư, khi những người nắm quyền ra quyết định đều muốn hệ thống tài chính xanh hơn. Tài chính xanh thường được sử dụng như một thuật ngữ bao trùm và bao gồm cả các khoản vay xanh và các khoản vay có liên quan tới phát triển bền vững. Các khoản vay xanh được sử dụng cho một mục đích xanh với đầy đủ điều kiện cụ thể. Các khoản cho vay có liên quan tới phát triển bền vững thường xuất hiện khi một công ty huy động tài chính cho các mục đích hoạt động gắn liền với các mục tiêu bền vững.

Động lực cho một nền tài chính xanh hơn đang tăng tốc. Trong tháng 3 vừa qua, nước Anh đã công bố trái phiếu xanh có chủ quyền đầu tiên trên thế giới, một dạng sản phẩm đầu tư và tiết kiệm xanh.

Nhu cầu về tính minh bạch trong báo cáo phát triển bền vững cũng ngày càng lớn. Chính phủ Anh có kế hoạch áp dụng báo cáo bắt buộc về thông tin tài chính liên quan đến khí hậu đối với toàn nền kinh tế từ năm 2025. Một số công ty niêm yết sẽ phải báo cáo ngay trong năm nay. Các quy định này của chính phủ sẽ buộc khu vực tư nhân đưa ra các phương pháp tiếp cận của họ đối với bộ tiêu chuẩn ESG.

Trong lĩnh vực phát triển, các chính sách của Anh cũng được áp dụng nhiều hơn để giảm lượng khí thải carbon, chẳng hạn như thông qua Tiêu chuẩn Ngôi nhà Tương lai. Điều này sẽ buộc những ngôi nhà mới được xây dựng chỉ được phép tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn 75–80% so với tiêu chuẩn hiện hành, bắt đầu từ năm 2025.

Các nhà đầu tư phân bổ lại vốn cho đầu tư xanh

Trung bình, ít nhất 30% cổ đông của các công ty xây dựng nhà lớn tại Anh đang áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG. Các cổ đông này đều đã đưa ra một số hình thức cam kết về tính bền vững của môi trường và thể hiện điều này trong việc biểu quyết. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng nhà, bao gồm cả các quỹ đầu tư lớn như BlackRock và Aviva, đang theo đuổi các danh mục đầu tư xanh hơn. Điều này gây áp lực lên các công ty xây dựng nhà khác, buộc họ phải hoạt động bền vững hơn và mang lại những ngôi nhà xanh hơn.

Giám đốc điều hành của BlackRock đã gửi một bức thư ngỏ vào năm 2020, thông báo rằng họ đang đặt các cân nhắc ESG lên hàng đầu trong các ưu tiên đầu tư của mình, vì rủi ro khí hậu ngày càng được coi là rủi ro đầu tư. Gần đây hơn, bức thư năm 2021 của ông trích dẫn rằng Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu phân bổ lại vốn cho các doanh nghiệp bền vững.

Vì vậy, BlackRock sẽ yêu cầu các công ty đưa ra kế hoạch khí hậu phù hợp với Thỏa thuận Paris và sẽ tăng cường giám sát những trường hợp không có hành động đầy đủ. Vào tháng 4 năm 2021, BlackRock cũng đã công bố quỹ “Decarbonisation Partners” với quỹ đầu tư Temasek của Singapore. Hai bên cam kết đầu tư 600 triệu đô la trong giai đoạn đầu vào các công nghệ ít tạo ra khí thải carbon, bao gồm cả lĩnh vực xây dựng. Điều này, ở chiều ngược lại, sẽ thúc đẩy các động thái hướng tới nền tài chính xanh hơn của các nhà đầu tư khác trên toàn cầu.

Vào tháng 2 năm 2021, quỹ đầu tư Aviva đã công bố các yêu cầu mới, buộc các công ty nhận vốn phải đưa lượng khí phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Aviva đồng thời cam kết sẽ huy động 1 tỷ bảng Anh cho các khoản vay bất động sản phục vụ mục tiêu bền vững vào năm 2025. Ngoài việc đầu tư có trách nhiệm hơn, các quỹ đầu tư hàng đầu đang sẵn sàng loại bỏ các doanh nghiệp không tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.

Các ngân hàng tập trung vào các khoản cho vay xanh

Nhiều tổ chức cho vay cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền tài chính xanh. Hầu hết các tổ chức cho vay lớn đã cam kết thực hiện mục tiêu không phát thải khí carbon, và tung ra các sản phẩm cho vay xanh cũng như thắt chặt các điều kiện cho vay. Điều này buộc các nhà xây dựng, khách hàng lớn của các tổ chức này, phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn trong quá trình phát triển dự án.

Nhiều ngân hàng như Barclays, Natwest và Lloyds đang tập trung vào việc giảm lượng khí thải thông qua cho vay tiêu dùng. Họ đã giới thiệu các khoản thế chấp xanh cho những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng với xếp hạng tín dụng cao hơn. Natwest cũng tài trợ cho các khoản vay xanh để cải thiện nhà theo hướng bền vững và đã ra mắt chương trình theo dõi lượng phát thải khí carbon cho khách hàng.

Các ngân hàng cũng đang tài trợ cho các sáng kiến ​​cho vay thương mại xanh, từ các khoản vay xanh đến các dòng vốn tín dụng quay vòng xanh cho cả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. HSBC nhấn mạnh rằng áp lực từ các cổ đông đang buộc ngân hàng này hạn chế tài trợ cho các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các công ty cho vay lớn đều đang đẩy nhanh các mục tiêu về khí hậu của mình, cũng như hỗ trợ các công ty vay vốn giảm lượng khí thải.

Bài học từ các quốc gia

Nhiều quốc gia đã đi trước trong việc phát triển nền tài chính xanh và các sáng kiến ​​xây dựng nhà xanh.

Sekisui House, một công ty xây dựng ở Nhật Bản đã đưa lượng khí phát thải ròng về 0 tại các nhà máy kể từ năm 2002 và tại các công trường xây dựng từ năm 2005. Năm 2019, 87% các ngôi nhà biệt lập của Sekisui được xây dựng theo mô hình “Green First Zero Homes” để không phát thải khí carbon ra môi trường.

Clean Energy Finance Corporation, một ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ Úc, đã đầu tư 10 tỷ đô la vào các dự án xanh trên nhiều lĩnh vực như các khoản cho vay xanh để mua nhà, xây dựng để cho thuê và nhà ở hưu trí, kích thích đầu tư vào xây dựng và trang bị thêm nhà ở xanh.

Ở Hà Lan, công ty Energiesprong thúc đẩy việc tân trang lại các ngôi nhà bằng các mô-đun đúc sẵn để tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Sáng kiến này mở đường cho những cải tiến về quy định đầu tư xanh, khả năng tiếp cận tài chính và phát triển nguồn lực cho các phương pháp xây dựng hiện đại.

Tại Đức, các ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ như KfW giữ vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua các chương trình tài trợ và cho vay vốn.

Các nhà xây dựng phải đáp ứng yêu cầu của nền tài chính xanh

Các bên cho vay, nhà đầu tư và cổ đông đang gây áp lực ngày càng lớn lên các công ty xây dựng nhà để giảm lượng khí phát thải. Nhiều công ty xây dựng lớn đã áp dụng các biện pháp xanh để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và vận hành của ngôi nhà.

Ngoài việc đối mặt với nhiều quy định hơn từ chính phủ, các công ty xây dựng nhà cũng ghi nhận kỳ vọng ngày càng tăng của cổ đông trong việc điều chỉnh chiến lược để đạt được bộ ESG.

Bất chấp những lo ngại về chi phí xây dựng cao hơn, áp lực biên lợi nhuận và tác động đến giá trị đất, nhu cầu xây dựng nhà ở theo hướng xanh và bền vững luôn tồn tại. Vì vậy, các nhà xây dựng sẽ phải tăng tốc triển khai các chiến lược để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và giữ vững niềm tin của các đối tác liên quan, nhất là các tổ chức tín dụng.

  • Doanh nghiệp địa ốc chưa chạm được tín dụng xanh

    Doanh nghiệp địa ốc chưa chạm được tín dụng xanh

    CafeLand - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách, định hướng để hỗ trợ tài chính xanh, góp phần thúc đẩy công trình xanh (CTX) tại Việt Nam, nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Các doanh nghiệp bất động sản chưa chạm được gói tín dụng này.

Lam Vy (Savills)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.