Với tỷ lệ sở hữu dành cho NĐTNN đối với hầu hết các mã bluechip đã gần hết thì luồng tiền đầu tư sẽ chảy vào những cổ phiếu còn room.
Chứng khoán Dầu khí (PSI): Mặc dù động thái mua vào của khối ngoại có thể đỡ được nhóm cổ phiếu Bluechips, đồng nghĩa đỡ biến động của VN-Index, nhưng với hơn 70% cổ phiếu đã giảm qua mức đáy hình thành ngày 24/08/2010 thì phần lớn tài khoản nhà đầu tư đều đang trong trạng thái thua lỗ.

Trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ và ngay cả bất động sản đang thể hiện sự hấp dẫn thì kênh đầu tư chứng khoán dường như không còn thu hút được nhà đầu tư.

Trong phiên giao dịch tiếp theo, nhà đầu tư nước ngoài thậm chí có thể tiếp tục mua vào cổ phiếu Bluechips và khiến VN-Index tăng điểm, nhưng với trạng thái giao dịch hiện tại, nếu không có những thông tin thật sự đột biến, khả năng xu thế sideway hiện tại sẽ kết thúc theo hướng tiêu cực.

Do đó, nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy tài chính để tránh áp lực thanh toán trong ngắn hạn. Chiến lược mua vào chỉ thật sự phù hợp với những nhà đầu tư có khả năng đánh giá giá trị doanh nghiệp và chủ động được nguồn vốn.

Chứng khoán Tp.HCM (HSC): HN-Index ngày 19/10 đã giảm xuống dưới vùng hỗ trợ dài hạn tại khoảng 118 và lần đầu tiên đã đóng cửa cách xa ngưỡng này kể từ ngày 5/4/2009.

HSC đã lo ngại điều này sẽ xảy ra vì khi một chỉ số test lại nhiều lần cùng một vùng hỗ trợ thì có khả năng sau đó thị trường sẽ chọc thủng vùng hỗ trợ này. Điều này làm tăng thêm nguy cơ giảm của thị trường trong ngắn hạn, đặc biệt là đối với các mã nhỏ và trung bình, là những mã thường được đầu cơ trước đây.

Có những tín hiệu rõ ràng về hoạt động giao dịch đòn bẩy và giao dịch kỹ thuật đang giảm xuống. Nhiều công ty chứng khoán có lẽ đã cắt giảm các dịch vụ hỗ trợ dành cho khách hàng, thể hiện qua GTGD hàng ngày và giá của các mã được đầu cơ mạnh trong Q2 và Q3 giảm.

Xu hướng này có thể sẽ còn tiếp diễn cho tới cuối năm, đến khi đòn bẩy sử dụng khi mua cổ phiếu giảm xuống đồng thời các cổ phiếu đang bị lỗ sẽ dần được bán giải chấp.

Trên thực tế, triển vọng kinh tế vĩ mô không mấy sáng sủa cũng như sự mất cân bằng cung cầu cổ phiếu sẽ là nhân tố chính quyết định xu hướng của cả 2 chỉ số. Và rõ ràng hiện tại cả hai chỉ số đang lình xình và giảm.

Tuy nhiên, nhiều mã bluechip như BVH; DPM; FPT; VNM và MSN vẫn đang tăng hoặc ít nhất là giữ được giá nhờ các NĐTNN đã mua vào các mã này nhằm mục đích đầu tư dài hạn. Lực mua vào là khá nhỏ nên điều này không tạo thành một làn sóng mua vào.

Tuy nhiên với tỷ lệ sở hữu dành cho NĐTNN đối với hầu hết các mã bluechip đã gần hết thì luồng tiền đầu tư sẽ chảy vào những cổ phiếu còn room. HSC vẫn giữ quan điểm tích cực trong trung và dài hạn, đồng thời thận trọng trong ngắn hạn.

Chứng khoán ACB: Theo Tổng Cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2010 đạt 602,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với 9 tháng đầu năm 2009. Khu vực Nhà Nước dẫn đầu tổng giá trị đầu tư và đạt 226,8 nghìn tỷ đồng so với 222 nghìn tỷ của khối ngoài Nhà Nước và 154 nghìn tỷ của khối nước ngoài.

So với cùng kỳ 2009, các chỉ số này lần lượt tăng là 30%, 17% và 10.7%. Dựa vào sự tăng trưởng so với cùng kỳ của các khoản đầu tư trên, chúng tôi nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đi đúng nhịp với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm2010.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng 30% của khối Nhà Nước cho thấy việc hoàn thành kế hoạch GDP đã đề ra trong Quý 4/2010 sẽ phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng đầu tư của khối này. Trên một phương diện nào đó, điều này cho thấy Nhà Nước đang ra sức thực hiện những chính sách có thể để lèo lái nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất từ trước đến nay. Mặt khác, sự tăng trưởng dựa trên tỷ trọng quá lớn của đầu tư khối Nhà Nước sẽ làm giảm sự phát triển của các khối khác, đặc biệt là khối ngoài Nhà Nước.

Theo các dự báo của ACBS, đến cuối năm 2010, vốn đầu tư toàn xã hội sẽ đạt trên 801 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các khối Nhà Nước, khối ngoài Nhà Nước và khối nước ngoài lần lượt chiếm 40,5%, 34,4% và 25,1% của tổng vốn đầu tư. Các con số tỷ trọng vừa nêu, mặc dù có vẻ đa dạng, nhưng thực chất vẫn không có biến chuyển lớn bởi khối Nhà Nước thường chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội kể từ năm 1995 đến nay (trừ hai năm 2007 và 2008 khi khối này lần lượt chiếm 37.2% và 33.9%).

Do đó, trong Quý 4/2010, ACBS dự đoán đầu tư khối Nhà Nước sẽ tiếp tục tăng và là nguồn động lực thúc đẩy nền kinh tế.

Cafeland.vn- Theo Bản tin các CTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland